(Tiếp theo kỳ trước…)

BÀI 30

CHÚC BÌNH AN


“Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Bình an mà Chúa ban cho chúng con thực sự rất khác biệt và độc nhất, bởi vì sự bình an này là thành quả của sự chiến đấu trong ngày khổ nạn và chịu chết của Chúa. Khi Chúa trút hơi thở cuối cùng trong tiếng la lớn và những giọt nước mắt đớn đau, Chúa đã mang lại bình an cho thế gian: nhân loại được giao hòa với Thiên Chúa. “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con”.

Xung đột và bình an đánh dấu toàn bộ cuộc sống của Chúa. Lúc Chúa giáng trần, các thiên thần đã loan báo sự bình an sẽ đến với thế gian đang rên siết dưới ách thống trị của chế độ chuyên chế. Khi là một hài nhi, Chúa đã được cha mẹ đưa sang Ai Cập để trốn tránh cái chết có thể diễn ra bởi những bàn tay đe doạ của vương triều. Khi Chúa sai các môn đệ đi rao giảng trong các thị trấn và làng mạc, Chúa đã truyền lệnh cho các ông loan báo bình an cho những ngôi nhà mà họ sẽ lưu lại, bởi vì Chúa biết rằng sứ điệp Tin Mừng chắc chắn sẽ hòa giải con người. Sau khi sống lại, bình an là lời chúc phục sinh của Chúa đối với các môn đệ đã bỏ trốn Thầy mình vì sợ bị bắt và bị hại.

Lạy Chúa, có phải bình an sẽ chỉ ở lại thế gian sau khi xung đột và bất hòa được giảm bớt không? Có phải bình an là thứ mà chúng con phải tranh đấu không? Một số nhà lãnh đạo quốc gia chống lại bạo động và sự dữ bằng cách sử dụng bạo động, sử dụng võ khí, lực lượng quân đội để giành lấy hòa bình. Đó có phải là bình an thực sự và vĩnh cửu không? Còn những nhà lãnh đạo quốc gia khác đi đến hiệp định hoà giải qua đối thoại và tương nhượng trong niềm hy vọng kết thúc xung đột mà không cần đến bất cứ phương thức bạo động nào.

Chúng con nhìn ra xung quanh, vẫn còn đó những hình thức xung đột khác nhau. Một số đôi lứa yêu nhau nhưng rồi bất hòa, họ đã từ bỏ bình an và quyết định dứt khoát rằng họ không còn ý nghĩa gì với nhau nữa. Có nhiều thành viên bất hòa sống chung với nhau dưới một mái nhà hay trong cùng một cộng đoàn nhiều năm mà không thể đối thoại được với nhau. Lạy Chúa, đáng buồn hơn khi có những người không ngừng đưa linh hồn mình vào trong ách nặng nề của tội lỗi. Họ không ở trong bình an của Chúa và trong chính lương tâm của mình. “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”.

Trước khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa chúng con được mời gọi “trao chúc bình an cho nhau”. Chúng con quan sát mọi người bắt tay nhau, vỗ vai nhau, cúi thấp đầu chào nhau cùng với những nụ cười hay ôm hôn nhau. Đây quả thực là sự nồng nhiệt thân thương được thể hiện trong nghi thức trao bình an. Bỗng nhiên nhà thờ trở nên sống động với những lời chào hỏi và thì thầm nhìn nhận lẫn nhau. Chúng con cho rằng đây là bầu không khí vui tươi tự nhiên bao trùm cộng đoàn Thánh Thể nơi mà sự hòa hợp và bình an xuất hiện.

“Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Bình an nào vậy, lạy Chúa? Có phải nó khác với bình an mà Chúa đã ban cho chúng con nhờ máu Chúa đổ ra không? Nó có phải là bình an mà tên gọi khác của nó là hòa giải với Thiên Chúa không? Khi chúng con chúc bình an cho nhau, chúng con mong ước cho nhau có được sự hòa hợp và thiện chí bên trong được sinh ra từ lòng thương xót của Thiên Chúa. Bình an mà Chúa ban cho chúng con sẽ chính là những gì chúng con trao ban cho nhau.

Bình an nào vậy, lạy Chúa? Có phải đây là bình an phát xuất từ trái tim mỗi người chúng con không? Hay đây bình an mà chúng con đấu tranh để giành lấy? Hay đây là bình an mà chúng con quyết liệt đấu tranh với niềm kiêu hãnh của mình khi tha thứ và xóa bỏ thành kiến? Hay đây là bình an mà chúng con phải dập tắt tính tự mãn bản thân và cho mình là quan trọng khi chủ động hòa giải với tha nhân? Lạy Chúa, xin ban cho chúng con bình an của Chúa. Amen.

 

Lm. Phạm Đình Ái, sss chuyển ngữ

(Từ tác phẩm Meditation on the Mass

của Lm. Anscar J. Chupungco,osb)

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập