Thánh Eymard, vị tông đồ Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể khi Chúa Giêsu thiết lập là Ngài trao ban cho các tông đồ cũng như cho mọi người “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6 ,58 ), đồng thời Ngài cũng mời gọi các tông đồ và mọi người tái diễn lại cử chỉ này trong cuộc sống để hiệp thông với Ngài như cành nho với cây nho.

Thật vậy, thánh Phaolô và các Tin Mừng đã nhấn mạnh: “Điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “ Anh  em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em … Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới. Mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” ( 1Cor 11: 23-26; Mt  26: 26-28; Mc 14: 22-24; Lc 22: 19-20)

Ngoài ra, theo thánh Phaolô còn là “ Mỗi  lần ăn bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.” ( 1Cor 11: 26). Loan truyền Chúa chịu chết để cậy nhờ sự hy sinh cực trọng này mà ơn cứu độ của Chúa được ban cho con người từ ngày đầu tiên đó cho đến ngày mãn thời gian trên trần thế này.

Như vậy, đâu có phải chỉ có cha thánh Eymard là người duy nhất được biết, được lãnh nhận và loan truyền về bí tích này, để được mệnh danh là “ Tông đồ Thánh Thể?”

Ngoài ra, những tư tưởng của Ngài về Mầu Nhiệm Thánh Thể đã được trình bày mấy chục năm trước qua những điều tuyên bố của Thánh giáo hoàng Piô X, vị "Giáo Hoàng của phép Thánh Thể". Ngay cả những giáo huấn của Thánh nhân liên quan đến việc Rước Lễ thì đã được viết trước đây trên cả trăm năm.

Như vậy đó, nhưng với ngài, chúng ta nói chung và Giáo Hội nói riêng vẫn nhìn ra nơi vị thánh được coi là “ Tông đồ Thánh Thể” có một nét gì đó thật là độc đáo.

Chẳng hạn, khi kết thúc cuộc đời biết bao là thăng trầm, vậy mà lời ghi trên mộ chỉ vỏn vẹn có mấy câu, nhưng lại gói trọn cả sứ điệp Ngài để lại "Hãy yêu mến Chúa Giêsu vì Người quá đỗi yêu ta trong Thánh Thể."

Trong ngày cha Eymard được phong Chân phước năm 1925. Đức Hồng Y Gibbons đã viết về Ngài: "Không một vị tông đồ nào trong thời đại chúng ta thấm nhiễm tinh thần Thánh Thể cho bằng Chân Phước Eymard".

Trong Thánh Lễ Phong Thánh, Đức giáo hoàng Gioan XXIII đã ca tụng “Thánh nhân là mẫu gương hoàn hảo nhất trong việc thờ kính Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể,”

Ngày 9/12/1995, Đức Gioan Phaolô II khi ghi tên Thánh Eymard vào lịch phụng vụ Giáo Hội với ngày kính nhớ 2 tháng 8, Đức giáo hoàng đã nhìn nhận thánh nhân là "Tông Đồ ưu tuyển của Thánh Thể."

Qua các đấng bậc trong Giáo Hội đã nhìn nhận ngài như thế, chúng ta cùng nhau nhìn về cuộc đời của Ngài để hiểu rõ hơn bí tích quan trọng hơn mọi bí tích, mà cả một cuộc đời cha Eymard dành cho bí tích tình yêu này.

Ngay từ khi còn nhỏ, ngài đã sốt sắng tham dự thánh lễ, tham dự các giờ chầu Thánh Thể. Khi vì một lý do nào đó, ngài không đến được, ngài đã hỏi mẹ, hỏi chị là hôm nay có rước Thánh Thể không? Khi biết rằng có, ngài đã áp tai vào ngực để nghe tiếng Chúa.

Khi Eymard mới được 5 tuổi, chị của bé một hôm tình cờ nhìn thấy bé trong nhà thờ, đang đứng trên một cầu thang sau bàn thờ chính, tai ghé sát vào Nhà Chầu. Sau đó chị của Eymard hỏi bé làm gì mà ghé sát tai vào Nhà Chầu, bé trả lời là để nghe thấy tiếng của "Người" cho rõ hơn. Tấm lòng đơn sơ của tuổi ấu thơ đó là khởi đầu cho một cuộc đời hăng say với chân lý Chúa Giêsu hiện diện thực trong hình Bánh Rượu trên Bàn Thờ sau này.

Mỗi khi, Eymard được bế đến nhà thờ để viếng Thánh Thể. Một trong những điều đầu tiên Eymard còn nhớ được là hình ảnh mình được đứng trước Mặt Nhật bằng vàng.

Hay có một lần, Eymard nghe được các tu sĩ dòng Carmêlô nói với nhau là bạn bè khi gặp nhau thì nên nói với nhau vài lời. Eymard liền liên tưởng điều này đối với Chúa Giêsu Thánh Thể. Nếu mỗi lần đi qua Chúa Giêsu Thánh Thể mà không viếng thăm và nói vài lời với Ngài, thì chưa phải là bạn của Ngài. Lý do Eymard đưa ra để biện minh cho quan niệm của mình cũng thật đơn giản: "Chúa Giêsu đang ở đó; mọi người phải đến với Ngài".

Với tâm tình kể trên, Eymard hằng khao khát mong chờ ngày được Rước Lễ lần đầu. Đồng thời, em bắt đầu có ý tưởng muốn đi tu. Vì vậy, em đã xin chị Maria-Anna rước lễ để xin Chúa ban cho em được ơn trở thành linh mục.

Từ ngày đó, Eymard làm tất cả những gì để đạt được ước mơ, chẳng hạn như bắt đầu giúp lễ trong các thánh lễ.

Khi chuẩn bị để được Rước lễ lần đầu, Eymard đã đi hành hương Đức Mẹ, để nhờ Mẹ dọn mình cho sốt sắng. Trong dịp này được cha Touch khuyên nhủ, khuyến khích nên Rước Lễ mỗi tuần, đồng thời ngài cũng khích lệ Eymard theo đuổi ơn gọi linh mục.

Mặc dù người bố đã chuẩn bị tương lai cho cậu, qua việc cho cậu biết chuẩn bị lập gia đình. Cậu vẫn không ngừng tìm kiến thánh ý Chúa cùng với sự cầu nguyện âm thầm của người mẹ

Trong thời gian thiếu niên có thể nói được rằng cậu đã xoay sở đủ cách để thực hiện giấc mộng làm việc cho Chúa, ngay cả khi đường vào chủng viện bị cha sở tìm cách loại bỏ nữa!

Khi trở thành linh mục, được cử làm cha phó giáo xứ Chatte hay sau này là cha chánh xứ Monteynard, ngài không chỉ là chu toàn bổn phận và nhiệm vụ, mà còn hơn thế nữa là làm cho mọi người nhận biết Chúa và yêu mến ngài hơn bất cứ một điều gì khác. Nói cách khác là cha nêu gương sáng cho giáo dân trong sự tận tụy và đời sống gương mẫu, nhất là Cha dùng nhiều giờ để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trong thời gian là cha chánh xứ Monteynard, mọi sự đều diễn tiến tốt đẹp, nhưng cha vẫn cảm thấy có một điều đó còn thiếu đối với Chúa nơi bản thân. Ngài đã từ bỏ tất cả để trở thành một tu sĩ, như cha đã cảm nghiệm vào một buổi chiều trong tháng 06 năm 1836, tại tảng đá “huyền nhiệm” trong nghĩa trang thánh Romans gần Giáo xứ Chatte, cha Eymard đã nhận được một hồng ân đặc biệt về sự tuyệt diệu và tình yêu của Thiên Chúa.

Đứng như lời giới thiệu của Đức Giám mục giáo phận Grenoble với Hội Dòng “ Để tỏ lòng ưu ái của tôi đối với dòng Đức Mẹ, tôi tặng cha một người con yêu quý của giáo phận tôi ”.

Tại Hội Dòng này, ngài đã đi từ chức vụ này đến chức vụ khác gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp, làm vẻ vang cho Hội Dòng. Nhưng tất cả những điều đó không phải là điều chính yếu mà ngài tìm kiếm.

Ngày 25 tháng 05 năm 1845, Chúa nhật trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, khi cha Eymard cầm Mặt Nhật trong cuộc rước kiệu Thánh Thể tại nhà thờ Thánh Phaolô ở Lyons. Lúc đó, cha cảm nghiệm được một niềm khao khát mãnh liệt là được rao giảng chỉ về Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Để từ ánh sáng này thôi thúc ngài đi tới bất chấp mọi trở ngại,

Tiếp theo đó, ngày 02 tháng 02 năm 1851, ân sủng chính yếu tại Fourviere là cha Eymard nên thành lập một cộng đoàn hoàn toàn dâng kính cho Thánh Thể. Chính Đức Maria giúp cha hiểu ra rằng cha cần phải dấn thân để làm cho Bí tích Cực Thánh được nhận biết và yêu mến.

Đến lúc này, Cha Eymard nhận thấy hầu hết các mầu nhiệm Đức Tin đều đã được ít là một Dòng tu để ý đến, trừ Mầu Nhiệm Chúa hiện diện trong phép Thánh Thể. Cha đã được ơn soi sáng thành lập một cộng đoàn tu trì với mục đích chính là dâng hiến cuộc đời để tôn thờ Chúa Giêsu Thánh Thể. Lúc đầu, Cha muốn cộng đoàn mới được nằm trong khuôn khổ của Dòng Đức Mẹ, nhưng các vị Bề trên cảm thấy điều này không thể được. Thay vào đó, họ đồng ý cho Cha rời khỏi Dòng để có thể thực hiện ơn gọi của Cha. Sau đó, Cha xin Đức Thánh Cha, và Ngài đã cho phép thành lập Hội Dòng mới.

Nhiều tu sĩ trong Hội dòng biết ý định của cha đã mỉa mai, trong đó có một tu sĩ già nổi tiếng là nhân đức đã nghiêm khắc cảnh cáo cha: “ Công việc cha định làm chỉ do tự phụ, kiêu ngạo, cứng cổ và ương ngạnh, không thể tha thứ được!”

Trong các thư viết vào tháng Giêng năm 1855, cha Eymard bày tỏ lòng ước muốn thiết lập một ngai tòa đẹp cho Chúa Giê-su Kitô trên trần gian.

Ngày 29 tháng 04 năm 1856, cha Favre, Bề trên Tổng quyền Dòng Đức Maria, đã viết thư miễn trừ các lời khấn trong Dòng Đức Mẹ cho cha Eymard.

Ngày 30 tháng 04, cha Eymard rời dòng Đức Mẹ lên đường đi Paris. Ngày 01 tháng 05, lễ Chúa Thăng Thiên, cha Eymard bắt đầu tĩnh tâm để xin gặp Đức Giám mục Sibour, đang là Giám mục phụ tá của Tripoli. Và ngày 07 tháng 05 năm 1856, cha Eymard gặp Đức Giám mục Phụ tá để giải thích chi tiết về đơn thỉnh cầu xin lập Dòng Thánh Thể.

Ngày 13 tháng 05 năm 1856, nhân tình cờ gặp Đức Tổng Giám mục Sibour, Đức Giám mục hỏi cha Eymard: “Dòng của cha là một Dòng thuần túy chiêm niệm ư ? Tôi không chấp thuận. ”

Cha Eymard trả lời: “Vâng, chúng con chắc chắn là có chầu Thánh Thể, nhưng chúng con cũng muốn dẫn đưa nhiều người khác đến chầu Thánh Thể nữa. Chúng con phải lo cho những người lớn xưng tội rước lễ lần đầu.”

Đức Giám mục Sibour nói:“Đó là những gì mà cha đang cần … Ngay hôm nay các con là con của cha.

Ngày 13 tháng 05, cha Eymard cùng với cha De Cuers tạ ơn Đức Mẹ tại Saint-Sulpice. Các ngài đã tận hiến chính mình cách hoàn toàn cho việc phụng sự Chúa Giêsu Thánh Thể, nhờ Mẹ Maria, Nữ Vương phòng Tiệc Ly.

Ngày 25 tháng 05 năm 1856, cha Eymard lần đầu tiên sử dụng danh xưng của Dòng Thánh Thể, viết tắt là S.S.S (Societas Sanctisimi Sacramenti), và mười hai ngày sau, cha Eymard chính thức thừa nhận danh xưng trên làm tên gọi của Hội Dòng mới thành lập.

Ngày 01 tháng 06 năm 1856, tiếp nhận căn nhà của Đức Tổng Giám mục trên đường d’Enfer. Cha Eymard thiết lập cộng đoàn tiên khởi của Dòng Thánh Thể, với một người bạn đồng chí hướng duy nhất là cha Raymond de Cuers.

Cha Eymard đã đặt Mình Thánh Chúa để chầu trọng thể lần đầu tiên vào lúc 8 giờ sáng, ngày 06 tháng Giêng năm 1857, và cha Eymard đã chầu giờ thứ nhất từ 9-10 giờ. Đó là 03 ngày sau khi Đức Tổng Giám mục Sibour bị sát hại (ngày 03 tháng Giêng).

Ngày 09 tháng 04 năm 1857, thứ Năm Tuần Thánh, lúc 6g30 tối, Đức Tân Tổng Giám mục đã ký sắc lệnh cho phép đặt Mình Thánh Chúa để chầu liên tục.

Ngày 13 tháng 05 năm 1857, mừng kỷ niệm một năm thành lập Dòng Thánh Thể, nhân dịp này Đức Giám mục Tripoli và cha bề trên của Saint-Sulpice đã đến thăm nhà Dòng.

Ngày 15 tháng 05, nhờ số ơn gọi đông hơn, nên việc chầu Thánh Thể ban đêm được bắt đầu.

Ngày 25 tháng 05 năm 1858, Marguerite Guillot cùng với chị và cô Richard từ Lyons đến. Họ đã chầu Thánh Thể một giờ (từ trưa đến 1 giờ chiều). Hằng năm, nhóm chầu này vẫn được tưởng nhớ như là một mốc khởi đầu trong lịch sử của nhánh nữ, tức là Nữ Tỳ Thánh Thể, tại Paris và Faubourg Saint Jacques.

Ngày 08 tháng 12 năm 1858, lần đầu tiên cha Eymard đến Rôma. Ngày 09, cha Eymard vào viếng Đền thờ thánh Phêrô bằng đầu gối. Ngày 20 tháng 12, cha Eymard yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô IX để xin đoản sắc hay chứng thư tán thưởng và chúc lành (Laudatory Brief).

Ngày 06 tháng Giêng năm 1859, lễ Chúa Hiển Linh, cha Eymard nhận được Tông thư của Đức Giáo Hoàng  Piô IX.

Ngày 02 tháng 03 năm 1859, Eymard, De Cuers và Champion tuyên khấn lần đầu trong Dòng Thánh Thể.

Ngày 03 tháng 03 năm 1859, cha De Cuers rời Paris để bắt đầu lập cơ sở thứ hai ở Marseilles. Sau một tháng, thánh lễ đầu tiên tại cơ sở Marseilles được cử hành.

Ngày 23 tháng 06, đặt Mình Thánh Chúa để chầu lần đầu tiên tại Marseilles. Hôm sau, cha Eymard trở về Paris để cha De Cuers ở lại một mình.

Ngày 15 tháng 08 năm 1859, cha Eymard bắt đầu công việc trợ giúp những người bần cùng khốn khổ: đó là lo cho những người lớn được Rước Lễ lần đầu. cha cũng dạy dỗ giáo lý cho con em của giới bần cùng này: có lần các em hỏi cha Eymard: “Thiên Chúa ư? đó là ai vậy?”. Cha Eymard kể: “Các trẻ em nghèo không biết mình đang ở đâu”. Một năm sau, có khoảng 12 em được Rước Lễ lần đầu.

Ngày 29 tháng 12 năm 1862, với việc đặt Mình Thánh Chúa để chầu, một cộng đoàn thánh thể nữa được khánh thành tại Angers.

Ngày 18 tháng 03 năm 1863, cha Eymard cùng một vài cha khác trong Dòng đã yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô IX để xin phê chuẩn Hiến Pháp của Dòng Thánh Thể.

Sắc lệnh chuẩn nhận Dòng Thánh Thể được đề trình Tòa Thánh ngày 08 tháng 05 năm 1863, và đã được ấn ký ngày 03 tháng 06 năm 1863.

Ngày 19-23 tháng 08 năm 1863, Tổng Công Nghị lần thứ nhất và cuộc tĩnh tâm để lập lại lời khấn được tổ chức.

Ngày 21 tháng 02 năm 1864, cha De Cuers và Tesniere đã rời Rôma đi Giêrusalem mua Nhà Tiệc Ly. Công việc này không thành, nhưng cha Ê-ma sẽ cố gắng lần sau.

Ngày 17 tháng 11 năm 1864, cha Eymard yết kiến Đức Giáo Hoàng Piô IX, lần yết kiến này có liên hệ đến việc mua nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem.

Trong khi chờ đợi phúc đáp về dự án về Giêrusalem, cha Eymard đã thực hiện một cuộc đại tĩnh tâm ở Rô-ma từ 25/01 – 30/03/1865, và cha Eymard đã khám phá ra rằng Nhà Tiệc Ly Nội Tâm thì quan trọng hơn việc thành lập cơ sở ở Giêrusalem. 

Ngày 16 tháng 02 năm 1865, cha Eymard khấn lời khấn thứ tư: Dâng hiến Bản vị hay còn gọi là Quà tặng Bản vị cho Chúa.

Ngày 21 tháng 02, cha Eymard đã suy gẫm mầu nhiệm Nhập Thể của Chúa như là kiểu mẫu cho việc dâng hiến bản vị của mình.

Ngày 21 tháng 03, cha Eymard khấn dâng hiến bản vị cho Chúa chúng ta: “Đối với tôi, không gì bằng một ngôi vị tôi, với một nguyện ước cần thiết cho ân sủng này: không gì khác ngoài chính tôi.”

Ngày 02 tháng 02 năm 1866, một cộng đoàn thánh thể thứ tư được thành lập, và là cộng đoàn đầu tiên ở ngoài nước Pháp: đó là cộng đoàn ở Salazar, Brussels, Bỉ.

Ngày 25 tháng 12 năm 1866, với thánh lễ nửa đêm, một cộng đoàn thánh thể thứ năm được thành lập và dùng làm Nhà Tập (tập viện) tại Saint Maurice (gồm 14 tập sinh).

Ngày 17 tháng 11 năm 1867, thành lập nhà thứ hai ở Brussels, và dùng nhà này làm Nhà học viện. Đây là cộng đoàn thánh thể thứ sáu và cũng là cộng đoàn cuối cùng do cha Eymard thành lập.

Ngày 27 tháng 04 đến 02 tháng 05 năm 1868, cha Eymard tĩnh tâm lần cuối tại Nhà Tập của Dòng Thánh Thể tại Saint Maurice.

Ngày 01 tháng 05 năm 1868, cha Eymard khai mạc tháng hoa kính Đức Mẹ cùng với các tập sinh: “Chúng ta sẽ tôn vinh Đức Maria dưới tước hiệu Đức Mẹ của Bí tích Cực Thánh [ngày nay quen gọi là Đức Mẹ Thánh Thể]”.

Cha Eymard đã tìm đủ mọi cách để trình bày các khía cạnh của phép Thánh Thể cho mọi người. Và Đức Hồng Y Gibbons có lần đã nói, Cha Eymard chỉ nhìn thế giới qua "lăng kính thần linh của mầu nhiệm Thánh Thể".

Và có thể nói được rằng, ngài có thể làm gì được cho Chúa Giêsu Thánh Thể được tôn vinh, là ngài luôn cố gắng làm, ngay cả khi cái chết kề cận nữa.

…..

Qua một vài sơ lược kể trên, cho chúng ta thấy rằng: Cha Eymard đã có một lòng yêu mến và sự hiểu biết thật phong phú, độc đáo về mầu nhiệm Bí tích Thánh Thể. Vì, đối với ngài, “Thánh Thể chứa đựng tất cả các mầu nhiệm và tất cả các nhân đức… Thánh Thể là kỷ niệm của tất cả các mầu nhiệm trong đạo; Thánh Thể canh tân tình yêu và ân sủng của các mầu nhiệm đó”. Chính nhờ ánh sáng của Chúa Giêsu Thánh Thể, ngài đã có thêm sự hiểu biết sâu xa hơn về các mầu nhiệm đức tin và các giáo huấn Tin Mừng.

Do đó, đối với ngài mầu nhiệm Thánh Thể trước hết là mầu nhiệm của tình yêu. Tình yêu phải là căn nguyên cho sự hối cải đích thực, cho việc phục vụ Chúa Giêsu Kitô cách hoàn hảo và cho việc trở nên hoàn thiện theo Phúc Âm. Tình yêu còn phải là trung tâm và cùng đích cho mọi sinh hoạt của mỗi tín hữu. Vì vậy, tôn chỉ của mọi người tôn thờ phải là tất cả vì tình yêu Chúa Giêsu ngự thật trong Bí tích Thánh Thể.

Đối với Cha Eymard, lòng say yêu Chúa Giêsu Thánh Thể của các tín hữu bao giờ cũng phải gắn liền với những bổn phận đối với Hội Thánh. Ngài kể ra 4 bổn phận của mỗi tín hữu đối với Hội Thánh. Đó là phải thảo kính, yêu mến, vâng phục và trợ giúp Hội Thánh.

Thánh Eymard, vị tông đồ ưu tuyển của Thánh Thể đã vẽ ra một cuộc hành trình thiêng liêng dẫn đưa con người đi vào vũ trụ tâm linh ngay trong cuộc sống hiện tại, với một chiều kích sâu rộng, cao xa tương tự như lửa đốt cháy tâm hồn Ngài. Vì vậy, những lời của Ngài ngày hôm qua vẫn mãi luôn mời gọi chúng ta hôm nay.  “Thánh Thể chứa đựng tất cả các mầu nhiệm và tất cả các nhân đức…

Chính nhờ sự xác tín này, mà ngày 21 tháng 07 năm 1868, trên đường về La Mure dưỡng bệnh đang tàn phá thân xác ngài, cha Eymard gặp lại người bạn cũ đang là cha xứ gần đó. sau vài câu thăm hỏi, cha đã cử hành thánh lễ lần cuối một cách sốt sắng, để rồi sau đó vài ngày cha được sống trong mầu nhiệm mà cha hằng khao khát tôn thờ…mà cha nhận ra “ Đời sống dâng hiến đơn giản là con đường dẫn đến đời sống Thánh Thể…”

Thiên Quang sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập