SỰ VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC MARIA LÀ TẠO NÊN CHÚA GIÊSU TRONG CHÚNG TA

 

Lòng mộ mến Đức Maria của cha Eymard bén rễ trong thời niên thiếu. Lòng mộ mến này triển nở trong các dịp hành hương và những lần đi viếng các đền tôn kính Mẹ Maria. Những điều này trở nên quá nhiều mốc trong suốt hành trình đời sống của cha.

Vào năm 11 tuổi, chuẩn bị cho việc rước lễ lần đầu, cha bắt đầu đi tới đền Đức Bà ở Laus, khoảng 80 km từ La Mure. Đây là đền mà cha gọi là nơi hành hương cảm động và lôi cuốn của ân sủng và tình yêu, là nơi cha nghe được tiếng gọi như cha viết trong một lá thư: “Chính tại đây tôi nhận được ơn gọi của mình từ đôi tay của Đức Trinh Nữ” (CO 27-28*)

Vị linh mục mà cha gặp ở Laus, cha Touche, cho phép cha rước lễ mỗi ngày Chúa Nhật, xác nhận ao ước của cha trở thành linh mục và thúc đẩy cha học tiếng Latinh, nghĩa là, không để cho việc từ chối của bố cha làm lung lay khi cha tìm cách trả lời tiếng gọi của Thiên Chúa. Đây là nơi mà cha trải nghiệm tình mẫu tử của Đức Maria một cách đặc biệt: “Tại đó, Đức Maria thật dịu dàng, thật tử tế, thật nhân hậu! (CO 260-261)

Ngày 05/8/1828, hay tin mẹ cha qua đời, cha Eymard đã chọn Đức Trinh Nữ làm mẹ của mình. Sau này cha ghi nhận: “Tôi chiêm ngắm tình yêu của Đức Trinh Nữ dành cho tôi từ lúc tôi còn nhỏ. Tôi cám ơn Đức Bà ở Laus và ngày mà tôi nhận ngài làm mẹ khi mẹ tôi qua đời! Từ đó, rất nhiều ân huệ! Dưới chân Mẹ trong nhà thờ Saint-Robert, tôi đã cầu xin để tôi có thể trở thành linh mục một ngày nào đó!” (NR 44,109)

Cha Eymard nhận ra rằng sự hiện diện của Đức Trinh Nữ trong mỗi giai đoạn đã dẫn cha tới ơn gọi như là một vị sáng lập. Cha trao ơn gọi linh mục của cha cho Mẹ và cách đặc biệt: “Ân huệ của Thánh Thể cao trọng. Mẹ Maria đã trao tôi cho Con của mẹ như là tôi tớ, đứa con mỏng dòn của Mẹ (NR 44,94) Mẹ là người duy nhất đã dẫn tôi tới chức linh mục! Và sau đó tới Thánh Thể!” (NR 44,109)

Vào năm 1837 cha trở về Laus như là một linh mục trẻ để tĩnh tâm ít tuần trước khi nhận bài sai làm cha xứ ở Montenard. Năm 1839, cha được mãn nguyện về ước muốn sâu xa của cõi lòng khi cha vào dòng Đức Bà, trở thành thành viên của một hội dòng tôn vinh danh thánh Mẹ Maria. Từ đó trở đi, cha bắt đầu học linh đạo của dòng Đức Bà.

Cha gởi tới bàn thờ của Vương Cung Thánh Đường ở Laus dự án về tổ chức mà cha sửa soạn thành lập, nhờ đó nó sẽ là bó hoa tình yêu dâng Mẹ nhân lành (CO 502-506).

Trải qua rất nhiều cuộc chia lìa và những giai đoạn trong đời sống (một linh mục, một tu sĩ dòng Đức Bà và một vị sáng lập dòng Thánh Thể). Cha Eymard  nhận thức sự liên tục và sự hiện diện của Đức Maria: sự tận hiến của cha cho Đức Maria dẫn cha dâng hiến chính mình cho Thánh Thể.

Sau khi thành lập hội dòng, Cha Eymard chiêm ngưỡng Đức Maria, không chỉ ở Nazareth (theo linh đạo của dòng Đức Bà), nhưng trong nhà Tiệc ly, tại trung tâm của cộng đoàn đầu tiên được qui tụ sau khi Đức Giêsu về trời, trong khi chờ đợi lễ Hiện Xuống, chuyên cần việc bẻ bánh và sống nhờ Thánh Thể.

Từ Nazareth, Đức Giêsu đi tới nhà Tiệc Ly và đó là nơi mà Đức Maria ở lần cuối (CO 477-481), cha viết cho mẹ Margueritte Guillot, người sẽ là thành viên đầu tiên của dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Cha mời gọi mẹ liên kết với cha trong dự án của cha, đi từ Nazareth tới nhà Tiệc Ly và để tôn vinh Đức Maria, Mẹ và là Nữ hoàng của nhà Tiệc Ly Thánh Thể (x. CO 630-631), “để tạo nên những người thờ phượng của Chúa Giêsu Thánh Thể, theo kiểu mẫu của Đức Bà trong nhà Tiệc Ly, thờ phượng và sống gần lều tạm thánh thiêng (CO 624-625).

Ngay cả sau khi thành lập, cha tiếp tục dâng cho Đức Trinh Nữ tất cả những đặc ân mà chính cha hay hội dòng nhận được: “và rất nhiều ân huệ từ năm 1856: ơn kiên nhẫn, ơn hiệp nhất mặc dù ảnh hưởng của phân rẻ. Sau đó là tất cả ân huệ ban cho chính hội dòng! (NR 44, 94).

Cha Eymard hình dung Đức Maria trải qua những năm cuối đời ở nhà Tiệc Ly trong cầu nguyện thờ phượng liên lỉ cho Giáo Hội còn non trẻ. Cha đề nghị hội dòng nên bắt chước Mẹ như là một người thờ phượng hoàn hảo, hiến dâng cho ơn cứu độ thế giới, chia sẻ với Mẹ tình yêu dành cho Chúa Giêsu và cho việc hiến dâng của Mẹ để làm vinh danh  Chúa (x. RR 78,24 và RS 14,36). Cha nhấn mạnh đời sống ở nhà Tiệc Ly, tiêu biểu bằng việc hồi tâm, đời sống đơn giản và kinh nguyện tập trung vào Thánh Thể và phục vụ Giáo Hội.

Cha Eymard thấy được sự nối kết giữa hình ảnh Đức Maria cầu nguyện trong nhà Tiệc Ly và hình ảnh Đức Maria, người thờ phượng đầu tiên của Ngôi Lời Nhập Thể. Cha muốn thờ phượng Chúa Giêsu trong sự kết hợp với Đức Trinh Nữ, Mẹ của những người thờ phượng và là Nữ Vương của nhà Tiệc Ly, và chia sẻ tinh thần của Mẹ: khiêm hạ vì được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, lòng biết ơn tràn ngập niềm vui, được kết hợp với tình yêu, lời ca tụng và chúc lành vì sự tốt lành của Thiên Chúa đối với sự khiêm hạ, tự hiến và hoàn toàn xứng đáng: “Này tôi là tớ nữ của Chúa” (Lc. 1,38); và sau cùng, lòng nhân hậu và từ ái của Mẹ dành cho người tội lỗi và lời chuyển cầu của Mẹ để họ được tha thứ và cầu xin cho họ trở về với Thiên Chúa (NR 44,130).

Trong thông điệp “ECCLESIA DE EUCHARISTIA” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rằng trong mầu nhiệm nhập thể, Đức Maria đã sống trước niềm tin vào Thánh Thể của Giáo Hội, Mẹ, là “lều tạm” đầu tiên của lịch sử (x. EE 55). Trong trường của Đức Maria, Đức thánh cha mời gọi chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô bằng cách để cho chúng ta được Đức Maria đồng hành, người “phụ nữ Thánh Thể” (x.EE 57) 

Niềm xác tín này cũng là của cha Eymard, sứ vụ lớn lao của Đức Maria là tạo nên Chúa Giêsu trong chúng ta, điều này đòi hỏi chúng ta bắt chước đời sống của Mẹ, cách riêng đời sống nội tâm.

Mẹ suy tư theo tư tưởng của Chúa Giêsu … Mẹ chỉ bận rộn trong lòng với Chúa Giêsu, cho Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. Và Mẹ còn là người quá dịu dàng, quá khiêm hạ, trong việc phục vụ mọi người … Tất cả con người Mẹ là lòng bác ái nơi người con thánh thiêng của mẹ. Tôi cầu xin với người Mẹ tốt lành cho tôi có được tinh thần, sự ngọt ngào, sự điềm tĩnh, sự cần thận nghiêm túc của mẹ và sự khôn ngoan (NR 44,94)

Ngày 01/05/1868, cha Eymard đề nghị các thành viên của cha tôn vinh Đức Trinh Nữ dưới tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể cao trọng, nhấn mạnh sự nối kết quan trọng của các từ sau đây: “Maria và Thánh Thể” cũng như sự nối kết giữa các từ này với Giáo Hội. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II còn viết, “Nếu Giáo Hội và Thánh Thể không thể chia lìa, thì “chúng ta phải nói như thế về Đức Maria và Thánh Thể” (EE 57)

 

Manuel Barbiero

(Trong tác phẩm “15 Ngày Cầu Nguyện

Với Thánh Phêrô Julian Eymard)

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập