SỐNG TRỌN VẸN NGÀY TAM NHẬT THÁNH

Giáo Hội đang bước đi trong tuần “ Tam nhật thánh ”, giữa bầu khí của đất nước và trên toàn thế giới đang sống trong tình huống phòng ngừa và chống đại dịch Virus Corona đe dọa một cách khủng khiếp!

Vẫn biết là như thế, để ngày thứ năm tuần thánh qua đi sang ngày thứ sáu tới ngày thứ bảy tôi luôn cảm thấy có một chút gì đó đắng cay, xót xa ở trong cõi lòng! Khi biết rằng bầu khí phụng vụ của Giáo Hội đang bước tới đỉnh cao trọn vẹn của một tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người có một không hai trên trần gian này, so với núi Sọ mà con người đã nhẫn tâm dành cho Ngài năm xưa!

Suy đi nghĩ lại, mà không hiểu được thái độ của con người đứng trước Đấng Cứu Độ khi cứ nhất quyết phải loại trừ Ngài cho bằng được, giả như cho rằng Ngài có những lời “ lộng ngôn ” thì lộng ngôn đó là gì? Cũng như qua những lời đó có tương đồng với những gì Ngài dạy dỗ, hướng dẫn và các việc Ngài làm cho con người hay là còn hơn thế nữa?

Nhìn vào những việc họ làm đối với Ngài trong thời gian Ngài đi rao giảng Tin Mừng cũng như vào những giây phút cuối đời Ngài phải đối diện với bộ mặt thật của họ, Ngài đã lên tiếng cảnh cáo đánh động họ “ Nếu tôi nói sai thì sai ở chỗ nào? Còn nếu tôi nói đúng thì tại sao lại đánh tôi?”( Ga 18,23) Chẳng những thế, qua lời tuyên bố của vị lãnh đạo ngoại bang đang cai trị trên họ, cũng đã lên tiếng mạnh mẽ, khi cho rằng Chúa Giêsu chẳng có tội gì hết!( Ga 18,38; 19,4.6.12 ) Vậy mà họ vẫn ngoan cố đến nỗi tuyên bố “ Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi ”( Mt 27,25)

Nhớ lại những năm trước vào dịp này, nơi các giáo xứ, đặc biệt là các giáo xứ Miền Bắc cũng như có người Miền Bắc hiện diện “ mở lễ ” thật là linh đình, rộn ràng, sầm uất, trọng thể, nhộn nhịp…chẳng khác gì một ngày hội.

Năm nay không còn cảnh tượng ấy nữa, làm cho nhiều người chưng hửng, âu sầu, buồn bã! Nhất là đối với những người nhà quê đạo đức, khi thấy mình bị đánh mất một điều gì quý báu lắm vậy. Tôi cũng ở trong tâm trạng ấy, mặc dù tôi cũng không thích náo nhiệt cho lắm, vì với vẻ bề ngoài ồn ào, ầm ĩ như thế, không thể nào cảm nhận được điều cốt lõi, tinh túy bên trong, và khi qua ngày đó mọi sự cũng hết luôn!!!

Nhờ vậy qua một vài giây phút tiếc nuối, xót xa…trước cảnh tĩnh lặng đến không ngờ của giáo xứ trong thời gian này, không tiếng chuông, không một âm thanh, không bóng người qua lại, làm vắng cả tiếng đọc kinh, cùng những nhộn nhịp khác cho những ngày lễ trọng đại đang diễn tiến…nhất là trong bối cảnh Miền Bắc đang trong mùa giá lạnh, trời cứ âm u, hiếm hoi ánh nắng….tôi định thần lại và bắt đầu lờ mờ nhận ra những điều thiết yếu trong ngày “ tam nhật thánh ” này mà người tín hữu cần phải có.

Trước hết là thánh lễ “ Tiệc ly ” qua bài Tin Mừng làm nổi bật ý nghĩa của ngày lễ:

Chúa yêu thương đến cùng, cho nên Ngài đã sẵn sàng đón nhận mọi sự chẳng hề nà chi! Vì vậy, Ngài đã thiết lập chức tư tế, để luôn có người đại diện Ngài hướng dẫn mọi người đi trên đường ngay nẻo chính. Ai trong hoàn cảnh đó có thể nghĩ ra điều tuyệt vời này, ngay khi còn biết là người thân thiết bấy lâu naỵ chẳng có tử tế gì!

Ngài còn hy sinh trao ban chính thân mình làm của ăn nuôi dưỡng con người trên đường lữ hành về quê hương hạnh phúc muôn đời. Ai trong lúc cuối đời còn suy nghĩ được như thế? Ngay cả khi biết rõ những kẻ được lãnh nhận của ăn quý giá đó chẳng có biết chơi đẹp một tí nào!

Mặc dù là một thời gian không có ngắn, Chúa đã làm biết bao điều tốt đẹp, có ích lợi cho muôn người về lâu về dài….thế mà lại có không ít người đặc biệt là những người có vị trí trong xã hội cũng như tôn giáo dành cho Chúa những điều không mấy thiện cảm, đầy xót xa, đắng cay…Chúa đón nhận hết và hóa giải chúng. Ai được như Ngài?

Sự hóa giải những giận dữ, bực tức…mà người ta dành cho nhau nay có chỗ trút vào là nơi Chúa Giêsu qua cây thập giá. Chúa đón nhận, ôm chúng vào lòng và biến đổi sự ghê tởm, kinh hoàng ấy thành “ Thánh Giá ” đem lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho con người…

Vì chính Chúa đã nhấn mạnh: “Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng.” ( Ga 13,1)

Tiếp theo là ngày thứ sáu “ Suy tôn thánh giá và tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa”. Đây là cuộc đối đầu cuối cùng của Chúa Giêsu với sự dữ, sự đau khổ, sự ác độc, và cả sự chết nữa mà con người dành cho Ngài!

Chúa Giêsu đã chấp nhận đánh đổi một cách quyết liệt và dứt khoát, để từ đây không có một mãnh lực sự dữ, sự xấu xa nào có thể chi phối, khống chế được con người.

Đúng thế, Chúa Giêsu là đầu, là trên hết mọi sự, đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, nay chấp nhận chết nhục nhã trên thập giá một bản án chỉ dành cho tội nhân nô lệ, còn đây Chúa vô tội lại không phải là thân phận nô lệ. Chúa Giêsu chấp nhận như thế đó để rồi biến đổi chúng thành phương thế cứu độ, giải thoát con người như Chúa đã nói “ Ai muốn theo Tôi hãy vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi ” ( Mt 16,24)

Và chính tại nơi đây, Chúa Giêsu đã biểu lộ trọn vẹn việc Ngài yêu thương mọi người còn đang trong thế gian vương vấn nhiều thử thách gian nan. Ngài đã không lên tiếng trước lời thách thức, cười nhạo… của các thượng tế, kinh sư, kỳ mục ngay cả với tên trộm cùng chịu chết với Ngài. ( Mt 27,41.44)

Ngài như chỉ bận tâm tới việc người trộm lành cầu xin cũng như làm sao cho mọi người nhận ra được tình yêu của Chúa ( Lc 23,42). Nhờ vậy, mà viên sỹ quan ngoại giáo đã nhận ra Ngài khi thốt lên “ Ông này đúng là Đấng thánh ” ( Mt 27,54), khi dân Do Thái những kẻ trước đó đòi đóng đinh Chúa cho bằng được, giờ đã phải đấm ngực, ăn năn, khóc lóc ra về…( Lc 23,48 ) Và mọi sự đã kết thúc một cách trọn vẹn khi Chúa Giêsu đã lớn tiếng “ Mọi sự đã hoàn tất ”( Ga 18,30)

Ngày cuối cùng của “ Tam nhật thánh ” là ngày thứ bảy, không có nghi lễ gì, mọi sự bước vào thinh lặng diễn tả sự việc Chúa nằm trong nấm mồ để rồi ba ngày sau nấm mồ bật tung, mở ra sự kiện “ Chúa Phục Sinh ” huy hoàng, rực rỡ….

Ngày thứ bảy được coi là ngày thử thách của cuộc chiến đấu mãnh liệt của Chúa Giêsu, Ngài bước đi từ trong bóng tối của sự chết đến ánh sáng sự Phục Sinh vinh quang; của sự tội lỗi đến bước thánh thiện khải hoàn, từ sự hữu hạn tới sự vô hạn… 

 Nhắc lại những sự kiện kể trên mà tôi đã được nghe đi nghe lại quá nhiều lần để rồi trong bối cảnh hôm nay tôi có suy nghĩ gì không? Hay là tôi vẫn cứ ngủ mê khi cho rằng: Chúa thương tôi vô cùng, cho nên Ngài đã cứu độ tôi, và ban cho tôi hạnh phúc mà nguyên tổ đã đánh mất, tôi chẳng còn phải lo lắng chi nữa!

      Nhìn vào sự việc đang xảy ra trên đất nước cũng như trên toàn thế giới cho tôi thấy, không có ai làm một mình, cho dù người đó có tài giỏi, có hay đến cỡ nào, vì vậy, nơi đâu có mọi người cùng đồng lòng cộng tác thì chính nơi đó ngăn chặn và loại trừ đại dịch Corona mới đi đến thắng lợi thành công.

Trong việc đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa cũng vậy. Phần Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô đã “ hoàn tất ”, nhưng về phần con người, đặc biệt là phần của riêng tôi thì chưa có xong. Bởi vậy tôi phải đóng góp phần của tôi vào đó một cách tích cực, mau mắn..,không có chuyện tà tà, lè phè, tới đâu hay tới đó. Vì thời gian dành cho con người hay của riêng tôi có ngần có hạn, chứ không phải là kéo dài tới vô tận.

Hãy nhìn vào thực tế trong những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu là tôi thấy rất rõ, làm cho Giuđa, Phêrô và các tông đồ sững sờ, đến ngay như những kẻ muốn loại trừ Chúa cũng chẳng ngờ là có thể loại trừ Chúa một cách dễ dàng và mau đến như thế, trong khi đó họ cứ tưởng Chúa có đầy quyền năng như Ngài đã thể hiện trong ba năm đi rao giảng Tin Mừng đã làm cho bao người phải ngạc nhiên ngỡ ngàng, thán phục thì khó khăn và cam go lắm!

Từ những sự kiện được nhắc lại mà ta cảm nhận việc Chúa yêu thương con người và còn yêu thương tha thiết mọi người trong cuộc sống này đang còn phải chiến đấu với bao thử thách đầy cam go đến như thế nào? Nhất là đi cho tới cùng, Chúa dứt khoát không đầu hàng bỏ cuộc, dù cho có gặp phải biết bao điều cam go, nghiệt ngã…!!! Cuối cùng, tôi thấy rất rõ là không có một sự gì cản bước được niềm vui Phục Sinh mà Chúa trao ban cho con người.

  Vì vậy, những ngày qua, mọi nghi lễ đều bị cắt giảm rõ rệt, ngay cả nghi lễ tuần thánh đầy quan trọng, cho tôi thấy, những điều ấy không là gì hết, những điều đó chỉ là bề ngoài, bề nổi. Cái mà người ta không thể nào cắt bỏ, hay dẹp tan được đó chính là phần linh thiêng, phần bên trong sâu thẳm nơi tâm hồn của mỗi con người. Và chính Chúa cũng cần sự tinh túy này, như Chúa đã nhìn thấy tâm hồn của tên trộm lành cùng đóng đinh với Chúa; như tâm hồn của viên sỹ quan ngoại giáo có mặt trong việc thi hành án tử của Chúa; và hơn thế nữa, như Chúa đã nhìn thấy tấm lòng của những người Do Thái đã hăng say giơ tay cao đòi đóng đinh Chúa vào thập giá.

Do đó, đừng có tiếc nuối, ngậm ngùi, xót xa… chi, vô ích! Vì sự việc xảy ra ở chốn trần gian này nó là như thế, chi bằng để tránh những sầu muộn, buồn bực trong con người, ta hãy vui vẻ, mà đóng góp phần mình, để biến đổi chúng. Ta sẽ cảm nhận được niềm vui không ngờ.

Khi ta làm cho sự xấu không còn chỗ mà sinh sôi nẩy nở. Ta đừng tưởng là người khác sẽ hưởng mà thật ra là chính ta được hưởng trước.

Hay khi ta làm cho sự đau đớn đang đầy dẫy trong cuộc sống này được vơi bớt, nhẹ nhàng…ta đừng tưởng là phí công, vô ích…mà thực ra ta đang góp phần làm đẹp con người, làm đẹp chốn trần gian, và chính ta đang được chiêm ngưỡng, tận hưởng đầu tiên…

Vì vậy, hãy an tâm sống và làm cho niềm vui Phục Sinh mà Chúa Giêsu đã đem đến cho con người được bừng sáng lên ngay trong cuộc sống hôm nay và ngay tại đây.

Thiên Quang SSS

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập