GIA ĐÌNH THEO GƯƠNG THÁNH GIA

 

Trong bầu khí chan hòa niềm vui mừng mầu nhiệm THIÊN CHÚA NHẬP THỂ LÀM NGƯỜI, chúng ta cùng chiêm ngắm: Ngôi Lời của Thiên Chúa và là Thiên Chúa, Đức Kitô có tất cả quyền năng và vinh quang cao cả của ngôi vị Thiên Chúa. Khi nhập thể làm người, chấp nhận trở nên người phàm, Đức Giêsu Kitô  trút bỏ vinh quang Thiên Chúa, mặc lấy thân nô lệ và sống như người trần thế (x. Pl 2,6) và biểu lộ cuộc sống rất người đó trong một gia đình nhân loại là gia đình Thánh Gia.

Chúng ta được mời gọi nhìn vào gương mẫu nơi Thánh gia thất: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ trở về Nazareth và hằng vâng phục các Ngài. Riêng Mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 2,51). Trong gia đình thánh này, mặc dù là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, Chúa Giêsu vẫn hoàn toàn sống đời khiêm hạ và hằng vâng phục Đức Mẹ và thánh Giuse. Người đã chu toàn bổn phận với Chúa Cha trong tư cách là Con Thiên Chúa và chu toàn bổn phận là con trong một gia đình thánh. Người ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. 

Thánh Giuse đích thực là một người cha: Sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông và tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu cùng mẹ thánh Người. Người làm chủ gia đình với tinh thần đầy trách nhiệm, và siêng năng cần cù lao động, trong làng quê nghèo Nazarét. ĐGH đương kim Phanxicô cũng nhấn mạnh: “Trong các sách Phúc Âm, thánh Giuse xuất hiện như một người mạnh mẽ, can đảm, chuyên cần làm việc, nhưng trong tâm hồn Ngài trổi vượt một sự rất dịu dàng, đây không phải là đức tính của kẻ yếu, trái lại, nó chứng tỏ một tâm hồn mạnh mẽ và có khả năng chú ý, cảm thương, thực sự cởi mở, yêu thương đối với tha nhân.”

Đức Maria chính là người mẹ: Gương mẫu trong đời sống nội tâm, và sâu lắng trong tâm tình cầu nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, và chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu. Kể từ khi Mẹ nói lời xin vâng trong biến cố truyền tin, cho đến khi đứng dưới chân thập giá ở đồi sọ. Điều ấy, chứng tỏ cho ta thấy Mẹ Maria đã sống một niềm tin phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa trong từng giây phút của cuộc đời. Đức tin của Mẹ cũng đã từng gặp phải nhiều những gian nan thử thách. Tuy vậy, Mẹ luôn phó thác và quy hướng về Thiên Chúa, Mẹ “suy đi nghĩ lại” mọi điều, nhằm tìm ra Thánh ý Thiên Chúa, để sống đẹp lòng Người. Noi gương Mẹ Maria, chúng ta củng cố niềm tin bằng chính việc đọc, lắng nghe, và suy niệm lời Chúa. “Suy đi nghĩ lại trong lòng”, để thấy ý Chúa trong quyết tâm đón nhận thánh ý Chúa trong từng biến cố của cuộc đời.

Gia đình là nền tảng của xã hội. Gia đình có bình an, thì xã hội mới an vui. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 trong một thông điệp ngày quốc tế thiếu nhi đã viết: “Những gì đã xảy ra cho các trẻ em Do Thái năm xưa bị Hêrôđê giết chết, cũng đang xảy ra cho các trẻ em ngày hôm nay. Các người làm cha làm mẹ hãy bắt chước Thánh Giuse và Đức Maria. Hãy cứu con cái của chúng ta khỏi cái chết đang cận kề, chết vì chiến tranh, chết vì hận thù, nhất là chết dần chết mòn vì nghèo đói và dốt nát.” 

 Cuộc sống gia đình hôm nay được đan dệt với bao hạnh phúc lẫn cay đắng, có khi ngập tràn niềm vui, có khi lại giống như một thứ hỏa ngục khủng khiếp với những bầm dập và tê tái. Ngày hôm nay, người ta đã vì cơm áo gạo tiền; vì cuộc sống, mà người ta đã quên đi cái tình nghĩa của vợ chồng. Người ta đã quên đi cái hạnh phúc của gia đình. Và họ đi tìm hạnh phúc ở ngoài gia đình, để rồi gia đình cứ đứng trên bờ vực của chia tay. 

 Con người không biết sống yêu thương trong gia đình thì không thể biết sống yêu thương đúng nghĩa trong các môi trường xã hội. Việc giáo dục tình yêu cần phải kiên nhẫn và nhất là cần đến gương yêu thương giữa cha mẹ, giữa vợ chồng. Gương mẫu của giáo dục tình yêu chính là gia đình Thánh Gia. Thật là lý tưởng khi mọi thành viên trong gia đình đều cảm nhận sâu xa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Xin cho những người làm cha, làm mẹ, làm con, luôn chu toàn bổn phận mình trong yêu thương, nhất là luôn biết làm cho “mái nhà” của mình luôn chan hòa niềm vui, hạnh phúc. Cách riêng đối với những người con, người trẻ hôm nay, ghi nhớ thông điệp Đức  Thánh Cha gởi cho giới trẻ Việt Nam dịp đại hội giới trẻ tại Miền Bắc :

Trong văn hoá Việt Nam, cũng như trong những nền văn hoá Châu Á, có lẽ không có từ ngữ nào đẹp cho bằng chữ “nhà”. Chữ ấy gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim của một con người, bao gồm không chỉ gia đình, họ hàng thân thuộc, mà cả nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở. Dù đi bất cứ đâu, người ta cũng mang theo bên mình chữ “nhà”. Từ chữ “nhà” này đã sản sinh ra văn hoá của các con, vốn diễn tả truyền thống gia đình, cổ võ tình yêu thương dành cho những người thân cận, khuôn đúc nên nhân đức thảo kính cha mẹ, và nuôi dưỡng một sự kính trọng đặc biệt dành cho những bậc cao niên. Do vậy, “Hãy về nhà” nghĩa là một hành trình thúc đẩy các con trở về với cội nguồn của các con và đào sâu di sản văn hoá và truyền thống của các con. Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy......”

Thiên Chúa đã làm người để chúng ta được làm con Thiên Chúa, được nên thánh từ nơi gia đình chúng ta, mái nhà của chúng ta, noi gương Thánh Gia.

 

M. Họa Mi

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập