|
LỄ MÌNH MÁU thánh CHÚA KITÔ Tin Mừng: Mc 14,12-16.22-26. Suy niệm: Bài Tin Mừng hôm nay kể về bữa ăn cuối cùng mà Chúa Giêsu chia sẻ với các môn đệ trước khi Ngài đi vào cuộc thương khó. Bữa ăn này có một ý nghĩa đặc biệt vì trước hết, đây là một bữa tiệc Vượt Qua. Hơn nữa, với bữa tiệc này, dân Israel nhắc lại cách Thiên Chúa đối xử với các tổ phụ của họ, và họ được canh tân trong niềm tin đầy tri ân, vui tươi và vững vàng đặt nơi Thiên Chúa. Đặc biệt hơn nữa vì đây là bữa ăn cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ, và chính trong bữa ăn này, Ngài đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể, để qua đó Chúa ở cùng nhân loại cho đến tận thế. Bài Tin Mừng có thể chia thành hai phần, phần thứ nhất nói về việc chuẩn bị bữa tiệc Vượt Qua. Các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu xem Người muốn dọn ăn lễ Vượt Qua ở đâu. Hai môn đệ đã được Chúa sai đi để lo việc chuẩn bị. Chúa chỉ cho các ông những gì sẽ xảy ra và căn dặn cách tỉ mỉ những gì các ông phải làm. Theo lời chỉ dẫn của Chúa, hai môn đệ làm theo lời của Chúa và thấy mọi sự y như Ngài đã nói và các ông chỉ còn việc lo dọn bữa tiệc. Tất cả những chi tiết đó cho thấy thái độ quan tâm rất lớn của Chúa Giêsu cũng như của các môn đệ trong việc chuẩn bị cho bữa Tiệc Vượt Qua, đồng thời cũng cho thấy được tầm quan trọng của bữa tiệc sắp diễn ra này. Phần thứ hai của bài Tin Mừng, mặc dù rất ngắn gọn, nhưng cho biết những điều chính yếu xảy ra trong bữa tiệc Vượt Qua. Quả thực, bữa tiệc có tầm quan trọng đặc biệt vì tại bữa tiệc, ngang qua bánh và rượu, Chúa Giêsu ban cho các môn đệ thân mình và máu của Người. Đồ ăn thức uống không đơn giản là bánh và rượu bình thường nữa, nhưng bánh đó là chính mình Chúa như Lời Chúa nói: “đây là mình Thầy”, và rượu đó là chính máu Chúa như Lời Chúa nói: “đây là máu Thầy”. Đây là bữa tiệc từ biệt, vì Chúa Giêsu sẽ bị giao nộp và bị giết, và Người sẽ không đi đi lại lại trong xứ cùng với các môn đệ, cũng không ăn tiệc với các ông như lâu nay nữa. Tuy nhiên, Người sẽ ở giữa các ông trong hình bánh và rượu. Trong tương lai, đây sẽ là cách thức hiện diện mới mẻ của Người, là cách thức Chúa dùng để các ông được hiệp thông với Người. Chúa Giêsu từ biệt, tuy vậy, Người vẫn ở lại đó. Mặt khác, máu mà Chúa Giêsu hiến dâng trong chén rượu, như Chúa đã diễn giải ý nghĩa, là máu của giao ước, được đổ ra vì muôn người. Với máu của Chúa Giêsu, giao ước mới và vĩnh viễn được đóng ấn. Trong máu Người, trong hành vi hiến tặng mạng sống của Người, tình yêu của Thiên Chúa đối với thế gian được tỏ bày. Nhờ máu Người đổ ra, muôn người được giải thoát khỏi tội lỗi. Chúa Giêsu không chỉ ở lại với các môn đệ, mà còn đặt nền tảng và đóng ấn cho sự hiệp thông của họ với Thiên Chúa. Xưa kia, Chúa Giêsu đã ở giữa các môn đệ theo cách thấy được rõ ràng bằng mắt thường. Nhưng kể từ nay, Người sẽ ở giữa họ theo cách thức mới, đó là ở trong hình bánh và hình rượu, trong tư cách Đấng chịu đóng đinh, trong tư cách dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa. Tất cả những điều này sẽ tới mức viên mãn khi Nước Thiên Chúa được tỏ hiện. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hôm nay chúng con mừng kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa. Thực ra, có thể nói rằng mọi Chúa Nhật, cũng như mọi ngày khác đều là ngày mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, bởi vì, trong tất cả các thánh lễ được cử hành hàng ngày đều diễn ra việc bánh và rượu trở nên Mình Máu Thánh Chúa. Kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa hôm nay là cơ hội để chúng con nhìn lại thái độ của chúng con mỗi khi đi dự lễ. Chúa và các môn đệ đã rất kỹ lưỡng trong việc chuẩn bị cho bữa tiệc Vượt Qua, nơi đó Chúa thiết lập Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa. Xin Chúa giúp chúng con mỗi khi đi tham dự thánh lễ luôn biết chuẩn bị tâm hồn chu đáo hầu có thể đón nhận trọn vẹn ân sủng của Chúa ban cho chúng con. Lạy Chúa, rất nhiều khi chúng con đi dự lễ chỉ như để chu toàn luật buộc; và rất nhiều khi chúng con dự lễ nhưng chẳng rước Mình Máu Chúa, hoặc rước Chúa một cách thờ ơ theo thói quen. Xin Chúa cho chúng con ý thức được ý nghĩa lớn lao của thánh lễ là để hiệp thông với Chúa. Cũng xin Chúa cho chúng con mỗi khi đã dự lễ thì cố gắng rước Mình Máu Chúa, nhờ đó chúng con mới được kết hiệp với Chúa trọn vẹn nhất. Amen. Đa Minh Trần Đình Tuyền, SSS.
CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN Tin mừng: (Mc 4, 26-34) Suy niệm: Tin Mừng Chúa Nhật XI thường niên hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết được vai trò của các dụ ngôn trong việc rao giảng Lời Chúa. Chính các dụ ngôn một mặt có thể truyền tải những chân lý mặc khải theo những mức độ khác nhau tùy theo sức hiểu và sự đón nhận Lời Chúa của người nghe. Với những người thành tâm thiện chí muốn tìm hiểu chân lý, tìm kiếm Tin Mừng Nước Trời, thì các dụ ngôn sẽ giúp cho họ có thể dễ dàng hiểu được ý nghĩa của Tin Mừng theo cách bình dân. Còn đối với những người chưa xứng đáng đón nhận Tin Mừng, thì các dụ ngôn sẽ như bức màn ẩn giấu đi các sứ điệp của Tin Mừng. Hạt giống Lời Chúa được ban cho tất cả mọi người. Thế nhưng hạt giống Lời ấy sẽ phát triển ra sao, thế nào thì đó là một điều ẩn kín mà con người khó lòng nhận biết được một cách rõ ràng. Sự phát triển của hạt giống Lời Chúa trong mỗi người không phụ thuộc vào người gieo, nhưng phụ thuộc vào sức sống của Lời, và cũng phụ thuộc vào mảnh đất mà hạt giống được gieo, đó là tâm hồn của mỗi người tiếp nhận. Sự phát triển của Lời cũng là sự tăng trưởng của đời sống đức tin của các tín hữu. Đức tin nơi mỗi con người không phát triển cách rõ ràng mà người khác có thể thấy được, nhưng đức tin có sức sống âm thầm nhưng mãnh liệt, và đức tin cần có thời gian để được nuôi dưỡng và gìn giữ nơi những tâm hồn biết kiên nhẫn, khiêm nhường và yêu mến. Đời sống đức tin cũng sẽ triển nở trong những mảnh đất tốt là tâm hồn những người có đời sống tốt lành bởi những việc làm bác ái, cùng với những nhân đức và sự tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Khi đức tin của một người đã phát triển cách vững mạnh và trưởng thành, thì đức tin của người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái tốt lành để phục vụ cho đời sống đức tin của những người có niềm tin còn non kém, như hạt cải bé nhỏ khi phát triển thành một cây lớn, trở thành nơi trú ngụ cho chim trời. Một người có đức tin vững mạnh và tốt lành sẽ là tấm gương cho người khác về đời sống đạo, về niềm tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, cũng như làm chứng cho những giá trị Tin Mừng của Chúa ở trần gian này. Từ đó, giá trị Tin Mừng sẽ được thể hiện ở chính cuộc đời những Kitô hữu có đời sống đức tin luôn gắn kết với Thiên Chúa, luôn biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa trong suốt cuộc đời mình. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban cho chúng con một tâm hồn luôn biết thành tâm, thiện chí, khiêm nhường và lòng ước ao muốn gặp Chúa khi chúng con lắng nghe và tìm hiểu Lời Chúa. Xin Chúa ban Thánh Thần, tác động và hướng dẫn tâm hồn và đời sống đức tin của mỗi người chúng con. Xin cho chúng con nhận biết rằng, Lời Chúa sẽ là lương thực nuôi dưỡng đức tin, trở nên nguồn sức mạnh giúp chúng con có thể vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Nhờ đó, đời sống đức tin của chúng con sẽ ngày càng tiến triển vững mạnh hơn trong sự liên kết mật thiết với Thiên Chúa. Nhờ vậy, chúng con cũng sẵn sàng mang Lời Chúa đến cho mọi người trong niềm tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa, ngõ hầu mọi người đón nhận được Tin Mừng cứu độ và Nước Thiên Chúa sẽ được lan rộng khắp nơi. Amen. Giuse Nguyễn Thế Anh, SSS CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN Tin Mừng: (Mc 4, 35-40) Suy niệm: Kính thưa cộng đoàn. Đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thánh Mác-cô đã sử dụng rất nhiều từ ngữ giàu hình ảnh. Đoạn Tin Mừng bắt đầu với những cụm trạng từ chỉ thời gian: “Hôm ấy, khi chiều đến” (Mc 4, 35a).“Chiều đến”. Cụm từ chỉ thời gian này dễ dẫn đưa người đọc đến suy nghĩ mình được nghỉ ngơi, được giải trí sau một ngày lao động mệt mỏi. “Chiều đến” cũng là lúc những người lao động trên đồng áng, trong những công ty, nơi xí nghiệp trở về với gia đình, căn phòng riêng tư của mình. Chính trong đoạn Tin Mừng này, Đức Giêsu cũng nói với các môn đệ của mình: “Chúng ta cùng sang bờ bên kia đi!”. Các môn đệ đã làm theo lời Đức Giêsu và tâm trí của các ông cũng đang rất thoải mái, thư giãn để hưởng những giây phút bình yên bên Thầy. Nhưng khi đọc tiếp đoạn Tin Mừng, ta nhận thấy sự việc cũng như những suy nghĩ của các môn đệ không như vậy. Thánh Mác-cô đã cho thấy rằng tâm trí của các môn đệ Đức Giê-su từ trạng thái bình an chuyển sang một trạng thái căng thẳng khi phải gồng mình để chống đỡ trận cuồng phong: “…một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?”Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế?” Đến đây, thánh Máccô đưa người ta vào khung cảnh thật của cuộc sống. Giữa những phong ba bão táp, con người có thực sự tin vào Thiên Chúa không? Ngay cả các môn đệ của Đức Giê-su cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Đức tin của các ông cũng phải trải qua thử thách. Thật vậy, các môn đệ đã sống một thời gian khá dài bên Chúa Giêsu. Được Ngài dạy dỗ và được chứng kiến những việc Ngài làm, chắc hẳn các ông nghĩ rằng mình đã có một đức tin vững chắc. Nhưng chẳng bao lâu, chỉ một cơn bão ngoài biển đã đủ làm các ông nhận ra rằng lòng tin đó còn rất non nớt, chưa được tôi luyện. Trong cơn bão, các ông hoảng sợ đến thất vọng, mặc dầu có Chúa Giêsu cùng ở trong thuyền. Chúa Giêsu phải lên tiếng quở trách: "Sao nhát thế, các con không có đức tin ư?” Đúng là: niềm tin thật của một con người chỉ được bộc lộ thật khi gặp gian nan. Lúc bình thường thì ai cũng như ai, khó thấy được niềm tin ấy. Đức tin của mỗi người cũng thế. Muốn biết ai vững vàng trong đức tin, chúng ta phải đợi tới lúc đức tin đó chịu thử thách. Lúc bình an vô sự thì tin vào Chúa không phải là việc khó khăn. Vì không khó nên không thể lượng định được phẩm chất của đức tin. Khó khăn, trở ngại là một yếu tố "kiểm tra chất lượng”. Có kiểm tra thì mới thấy cái gì tốt, cái gì xấu, cái gì thật, cái gì giả. Có lẽ kinh nghiệm bản thân chúng ta cũng thấy như vậy. Khi mọi sự êm xuôi chúng ta giữ đạo rất phấn khởi, sốt sắng. Chúng ta đến nhà thờ đông vui, dự lễ rước lễ sốt sắng, ca hát say sưa, xin lễ tạ ơn. Nhưng khi tai họa xảy đến, chẳng hạn lâm bệnh, gặp tai nạn, mất của, làm ăn thất bại, không xin được điều mình xin. . . lòng tin dễ bị lung lay, nhạt dần. Khi Chúa đòi hỏi một hy sinh lớn để trung thành với Ngài, chưa chắc gì chúng ta đã đủ can đảm chọn Chúa, mặc dầu chúng ta vẫn quả quyết mình yêu Chúa hết lòng. Nói rằng “hết lòng” nhưng thực ra “lòng đã hết”. Đặc biệt, lúc còn nhỏ, chưa bước chân vào đời để phải đương đầu với những cám dỗ và gương xấu của nó, việc giữ đạo là chuyện tự nhiên, không gặp khó khăn. Con đường theo Chúa xem ra thuận lợi, rộng rãi thênh thang. Nhưng một khi lớn lên bước vào đời, phải va chạm với thực tế, lúc đó mới thấy Tin Mừng của Chúa Giêsu khắt khe, nặng nề, khó chấp nhận. Vì thế, lúc còn nhỏ nhiều tín hữu thật trong trắng tốt lành, nhưng càng lớn lên càng lảng xa đời Kitô hữu, chỉ còn giữ một vài tập quán tôn giáo nào đó, sống bên lề Giáo Hội. Cũng có những trường hợp bỏ cuộc. Chính những lúc đó mới thấy lòng tin còn yếu kém biết bao và câu hỏi của Chúa Giêsu lại được đặt ra đúng lúc: "Các con không có đức tin ư?". Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, trước thánh nhan uy linh của Ngài, lòng chúng con thấy hổ thẹn đáng sợ. Chỉ thấy một cuồng phong nhẹ, chúng con đã không còn đủ sức để tin rằng có Chúa rồi! cảm nghiệm này được rút ra trong chính đời sống riêng của mỗi người chúng con. Thật vậy, ngang qua những va chạm hằng ngày với anh chị em đồng loại, lòng chúng con đã không có Chúa. Những xung đột của chúng con với anh chị em đủ làm mất lòng Chúa rồi. Vậy làm sao để có đức tin đủ mạnh để mà tin Chúa đang ở với chúng con và đang làm chủ đời sống chúng con. Lạy Chúa, thân xác mỏng manh, yếu hèn của chúng con chẳng đủ sức để vượt qua những khó khăn, những xung đột trong cuộc sống, xin Chúa ở bên, nâng đỡ tâm hồn chúng con, để có Chúa là tảng đá vững chắc, chúng con sẽ hân hoan và sống trọn bên Chúa. Amen Giuse Vũ Văn Dũng. SSS
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN Tin Mừng: (Mc 5,21-24.35b-43) Suy niệm: Con cái là hồng ân Chúa ban. Con cái đem lại niềm vui và hạnh phúc cho cha mẹ. Thử hỏi trong cuộc sống, có bậc cha mẹ nào lại không yêu thương và chăm lo cho con cái. Khi con đau ốm, chẳng lẽ cha mẹ lại bỏ mặc không đoái hoài đến. Cha mẹ nào lại chẳng muốn đem lại điều tốt nhất cho con cái mình. Đây cũng chính là tâm trạng của ông trưởng hội đường trong bài Tin Mừng hôm nay. Sau khi chữa lành cho một người bị quỷ ám ở Ghê-ra-sa, Đức Giê-su tiếp tục cuộc hành trình rao giảng của mình khắp miền Thập Tỉnh. Sứ mạng của Người là loan truyền ơn cứu độ và đem lại sự sống cho những ai lắng nghe và tin vào Lời Người. Có lẽ ông trưởng hội đường đã nghe biết về những điều kỳ diệu Đức Giê-su đã làm nên ông mạnh dạn đến trước mặt Đức Giê-su, sụp lạy và khẩn xin Người chữa lành cho đứa con gái của mình. Tình thương của một người cha đã khiến ông chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm thầy thuốc trị liệu cho con gái mình dù có phải hạ mình xuống để van xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu chữa và được sống”. Tình thương dành cho con cái đã khiến ông dẹp bỏ tất cả và dù có phải làm bất cứ việc gì thì ông cũng sẵn sàng làm, miễn sao giành lại sự sống cho đứa con của mình. Trước tình cảnh ấy, Đức Giê-su không thể nào dửng dưng. Người đã nhanh chóng lên đường về nhà với ông. Có thể nói, chính tình thương của ông trưởng hội đường dành cho đứa con gái đã làm cho Đức Giê-su chạnh lòng thương. Người đã từng chạnh lòng thương và cứu sống đứa con trai của bà góa thành Na-in. Người đã chữa lành nhiều người và giờ đây trước mặt Người là hình ảnh một bé gái đang trong tình trạng “thập tử nhất sinh”. Chắc chắn, Đức Giê-su không thể khoanh tay đứng nhìn sự chết đang đe dọa một trẻ thơ. Người đã vào nhà ông trưởng hội đường, mặc dù những người nhà của ông chế nhạo, nhưng Người vẫn băng qua giữa họ để đến bên em bé, đồng thời động viên người cha của em “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi”. Tình thương và niềm tin của ông trưởng hội đường đã được tưởng thưởng. Một điều kỳ diệu đã xảy ra, một phép lạ: người chết sống lại. Tình thương của người cha trong bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta suy nghĩ về tình yêu thương mà Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi đã ban chính Con Một của Ngài để cứu sống những ai tin vào Người Con ấy. Chính Thiên Chúa là Người Cha nhân hậu luôn yêu thương con cái và dù cho con cái bao lần phản bội và bất trung, nhưng Ngài vẫn tỏ lòng từ bi dang rộng cánh tay đón chờ đứa con hoang trở về. Thiên Chúa luôn muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho con người. Ông trưởng hội đường thương con chừng nào, thì Thiên Chúa còn yêu thương chúng ta gấp bội phần. Ngài ban cho chúng ta đặc ân được trở thành con cái Ngài, và đặc biệt hơn nữa qua cái chết và sự phục sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Người Con yêu quý của Ngài, chúng ta sẽ được hưởng phần vinh phúc là được cùng sống lại với Người trong ngày sau hết.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su! Vì yêu thương chúng con, Chúa đã chết trên thập giá và phục sinh vinh hiển để ban cho chúng con sự sống đời đời. Vì yêu thương chúng con, Chúa đã ở lại với chúng con nơi Nhiệm Tích Thánh Thể như lương thực trường tồn để nuôi dưỡng chúng con trên đường dương thế. Xin cho chúng con có một niềm tin vững mạnh và lòng mến sắt son để chúng con cảm nhận được tình yêu thương ấy và biết chia sẻ với anh chị em xung quanh. Amen. Lê Hiếu, sss.
|