CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

Tin Mừng: (Ga 15, 1-8) 

Suy niệm:  

Trong cuộc sống, con người ta không thể sống một mình được, không thể là một hòn đảo sống đơn độc giữa thế giới này, nhưng con người cần phải sống trong những tương quan.

Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan nói cho chúng ta một tương quan mới, đó là tương quan giữa con người Thiên Chúa: “Thầy là cây nho, anh em là cành”. Ở đây, Gioan đã mượn một hình ảnh rất quen thuộc với người Do-thái  “cây nho”. Ai cũng có thể hiểu được cây nho là như thế nào! Chúng ta trở về với thánh vịnh 80 (câu 9-12): Trong thời Do-Thái vẫn dùng cây nho để diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người trong thánh vịnh này:

Gốc nho này, Chúa bứng từ Ai cập.  

Đuổi chư dân, lấy chỗ mà trồng...  

Chồi mọc xa tới tận miền Sông Cả.  

Tác giả muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa đã yêu thương và tuyển chọn loài người, thì con người sống làm sao để sinh hoa kết trái công chính và thánh thiện... nếu không, sẽ bị tiêu diệt trong ngày sau hết.

Cành nho kia muốn sống được thì phải được gắn liền với thân cây. Vì khi gằn liền với thân cây, cành mới có được chất dinh dưỡng và các chất khác để tồn tại. Cũng vậy, con người nếu muốn sống và tồn tại được thì cần phải kết hợp với Thiên Chúa. Nhưng sự gắn kết này không phải chỉ nhắm làm sao để sống, mà trái lại là một sự gắn kết mật thiết nhằm để sinh hoa kết trái. Đó là phải thực sự ở trong tình yêu của Người, hay nói cách khác ở trong Đức Giêsu.

“Ở trong” Đức Giêsu có thể hiểu là một sự hiểu biết và gắn bó mật thiết nên một. Cũng chỉ khái niệm này tác giả (1Ga 4, 16) có viết: “Thiên Chúa là tình yêu, ai ở trong tình yêu là ở trong Thiên Chúa”;  và trong lời cầu của Chúa Giêsu xin cho mọi người nên một như Con ở trong Cha và như Cha ở trong Con. Điều này muốn nói cho chúng ta biết: nếu con người chung thủy sống tương quan gắn bó mật thiết với Thiên Chúa và  tuân giữ các Lời của Người dạy, thì Thiên Chúa sẽ luôn yêu thương và đồng hành với con người.

Mặt khác, để cây nho sinh hoa kết trái được, cây nho phải chịu để mình bị cắt tỉa. Vâng! Nói cắt tỉa thì rất dễ, nhưng thực sự trong cuộc sống mấy khi chúng ta dám để mình bị cắt tỉa. Ai trong chúng ta cũng biết rẳng cắt bỏ đi những thói hư tật xấu là tốt, nhưng có những tật xấu, những ích kỷ theo ta từ rất lâu, liệu ta có dám dũng cảm để cắt bỏ đi không!?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, trong cuộc sống, nhiều lúc chúng con  thực sự khao khát mình được lại mãi trong tình thương của Chúa, để chúng con được sinh hoa kết trái. Nhưng có một nghịch lý là chúng con lại sợ mình bị cắt tỉa. Tại sao vậy? Có lẽ niềm tin của chúng con còn yếu chăng? Hay chúng con chưa có một sự dũng cảm cần thiết? Vậy ước mong sao, chúng con luôn có một đức tin vững vàng và một sự dũng cảm để dám cắt tỉa đi những gì là không tốt, để chúng con trở thành những cành nho tươi tốt thực sự luôn gắn kết mật thiết với cây để rồi sẽ sinh hoa kết trái dồi dào.

Giuse Nguyễn Văn Chính, sss

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH

(LỜI MỜI GỌI YÊU THƯƠNG)

Tin Mừng: (Ga 15, 9-17)

Suy niệm:

Tin Mừng thứ VI Phục sinh hôm nay chính là lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Tin Mừng đã thuật lại việc Chúa Giêsu truyền lệnh cho các Tông đồ sống điều răn của Người là hãy yêu thương nhau như chính Người đã yêu thương chúng ta. Mới nghe qua, cảm tưởng đây như là một mệnh lệnh, một đòi hỏi mà Chúa bắt buộc chúng ta phải làm. Nhưng không phải thế! Đây chính là một lời mời gọi yêu thương mà Chúa dành cho mỗi người.

Ngay từ đầu Tin Mừng, Chúa Giêsu không bắt chúng ta phải làm điều này, điều kia, cho bằng Chúa mời gọi chúng ta hãy đến và ở lại trong tình thương của Người: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Chúa kêu mời chúng ta hãy ở trong tình thương mà Chúa dành cho chúng ta. Tình thương của Thiên Chúa xuất phát từ chính Thiên Chúa, ở đó, chúng ta sẽ được nếm trải chính tình yêu thương của Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu. Hay đúng hơn đó cũng là tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chính nhân loại chúng ta: “Như Chúa Cha đã yêu thương Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu thương các con như vậy”. Và Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy đây chính là một tình yêu cao cả nhất, tuyệt vời nhất mà con người hằng ước mong. Vì đây chính là Tình yêu của một Thiên Chúa cao cả dành cho nhân loại thấp hèn. Tình yêu của Đấng Tạo Hóa ưu ái đối với những thụ tạo của Người. Tình yêu của Chúa Giêsu đã quá yêu thương con người đến nổi đã hy sinh tính mạng vì con người “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Chính vì thế, khi đến và ở lại trong tình yêu của Chúa, chúng ta được hưởng nếm niềm vui trọn vẹn và viên mãn.

Lời mời gọi yêu thương ấy giờ đây vẫn được vang vọng trong hiện tại nơi Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Tình Yêu. Chúa Giêsu Thánh Thể vẫn luôn mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến và ở lại với Người để được hưởng nếm niềm vui trọn vẹn từ nơi người. Người vẫn luôn ở lại nơi nhà tạm để chờ đợi và mời gọi chúng ta: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”.

Lời mời gọi yêu thương của Chúa Giêsu đưa chúng ta đến chổ trở nên bạn hữu thâm giao với Người, và sống yêu thương như Người: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chúa mời gọi chúng ta làm điều này để được gắn bó mật thiết và trở nên giống Chúa hơn: “Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy.” Như thế, khi thực hiện lời mời gọi yêu thương chúng ta đã mặc lấy trái tim nhân hậu của Chúa, trở nên giống Chúa, là phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa cách sống động nhất.

Càng gẫm suy Lời Chúa chúng ta thấy rằng lời mời gọi Yêu Thương không quá cao vời nhưng rất thiết thực đối với chúng ta. Chúng ta không thể không yêu thương nhau khi chúng ta được làm con cái của một vị Thiên Chúa yêu thương. Chúng ta không thể không yêu thương nhau khi hằng ngày được rước lấy, được kết hợp với chính Chúa Giêsu Thánh Thể là suối nguồn tình yêu. Chúng ta không thể không thực hiện lời mời gọi của Người khi ngày ngày chúng ta được chính tình yêu của Người nuôi dưỡng, chăm sóc, ủi an và hướng dẫn chúng ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con cảm tạ Chúa, chúng con chúc tụng Chúa. Chúng con thật hạnh phúc khi biết được Chúa luôn yêu thương và lo cho từng người chúng con. Chúa luôn bên chúng con, mời gọi chúng con sống trong tình yêu của Người và của Chúa Cha. Hơn nữa Chúa còn muốn chúng con tiến sâu hơn trong tình yêu ấy bằng cách trở nên giống hình ảnh Chúa và trở nên bạn hữu của Chúa khi biết chia sẻ tình yêu ấy cho mỗi người xung quanh. Lạy Chúa, chúng con rất muốn được trở nên như lời Chúa mời gọi. Chúng con cũng muốn yêu thương anh em mình như Chúa đã yêu chúng con. Qua từng ngày trong Bí Tích Thánh Thể, xin biến đổi chúng con trở nên như Chúa mong muốn. Xin Chúa hãy biến đổi trái tim chúng con nên như trái tim Chúa, để chúng con biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen

 Px. Phan Nguyễn Khắc Nguyên, sss

LỄ Chúa THĂNG THIÊN

Tin Mừng: (Mc 16, 15-20)

Suy niệm:

Việc Chúa Giêsu lên trời mãi mãi là một huyền nhiệm. Dùng ngôn ngữ loài người để tả một huyền nhiệm của Trời thì thật khó. Nếu như Chúa Giêsu biến thành Đấng Kitô của cõi trời và không còn liên hệ gì với cõi trần này, lúc đó chúng ta sẽ rơi vào khủng hoảng và đức tin con người sẽ tàn lụi.

Tin mừng hôm nay, Máccô không mô tả rõ ràng chính biến cố Chúa về trời. Máccô chỉ thuật lại những lời căn dặn và trăn trối đầy tâm huyết đối với các môn đệ thân yêu trước khi rời xa họ vĩnh viễn

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” Như vậy đối với các Kitô hữu, sự thăng thiên của Chúa Giêsu được hiểu một giai đoạn khác bắt đầu, một mệnh lệnh “ra đi” để mở rộng vương quốc Kitô. Chúa về trời để vương quốc tình yêu của ngài được mở rộng tới mọi nơi, tới mọi cõi lòng. Như vậy đã chấm dứt thời kỳ mà niềm tin của các môn đệ đặt vào một vị Thầy bằng xương bằng thịt. Từ nay các môn đệ sẽ liên kết với một Đấng đời đời vượt khỏi thời gian và không gian.

Suy niệm việc Chúa lên Trời không phải là ngước mắt lên trời, nhưng là đào sâu đức tin bên trong tâm hồn, và khơi lên trong chúng ta một quyết tâm  mở rộng vương quốc tình yêu Giêsu cho tới tận cùng trái đất

Thói đời vẫn nói “xa mặt cách lòng” nhưng trong mầu nhiệm thăng thiên thì ngược lại. Sự thăng thiên của Chúa Giêsu là điều kiện để Ngài ban Chúa Thánh Thần xuống, để nhờ Thánh Thần mà chúng ta nhận biết về sự hiện diện của Đức Kitô gần gũi và sống động hơn.

Mặt khác, nếu chúng ta biết Chúa Giêsu của chúng ta đang ở trên trời thì lòng chúng ta phải hướng về đó. Không có nơi nào đáng yêu bằng nơi đó. Nơi mà các thánh đã yêu mến, và các ngài gọi là quê hương trên trời. Thánh Phaolô khuyên chúng ta “Vậy đã cùng sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm kiếm những điều trên cao, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Lòng trí hãy hướng về những điều trên cao, đừng (hướng) về những điều dưới đất. (Cl 3,1-2)

Có sự khác biệt là từ nay trở đi, Kitô hữu phải nhìn mọi sự trong ánh sáng, trong bối cảnh là cõi đời đời. Tất cả những gì chúng ta quan tâm không phải ở đời này, nhưng phải đặt thế gian này trong bối cảnh của cõi đời đời.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, mừng Chúa lên trời không phải mừng vì Chúa đã vinh thăng, nhưng thực chất là mừng cho mỗi người chúng con được cất nhắc lên một cách kỳ diệu. Mầu nhiệm thăng thiên đem đến cho chúng con các giá trị mới. Xin đừng để chúng con bận tâm đến những điều mà người thế gian xem là quan trọng nữa, nhưng biết tiếp tục sử dụng những điều thuộc về thế gian này theo một cách thức mới : biết đặt việc ‘cho đi’ lên trên việc ‘thu góp’, “phục vụ” trên “cai trị”, “tha thứ” ở trên “báo thù”.

Ước gì tâm hồn chúng con được đầy trần niềm an ủi vì biết rằng Đấng chờ đợi chúng con ở trên trời cũng là Đấng đã, đang bao bọc chúng con ở dưới đất. Amen

                                                              Tuỳ Phong, sss

 

LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Tin Mừng: (Ga 20, 19-23)

Suy niệm:

Hôm nay, toàn thể Hội Thánh mừng kính trọng thể Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh sử Gio-an trình thuật lại biến cố: Sau khi phục sinh từ cõi chết, Chúa hiện ra giữa các môn đệ, trao ban bình an cho họ, Chúa cho họ xem tay và cạnh sườn, và quan trọng hơn, Chúa đã trao ban Thánh Thần cho họ.

Chúng ta ít biết về Chúa Thánh Thần, nên cũng ít cầu nguyện với Ngài. Mẹ Giáo Hội dạy, và trong niềm xác tín của chúng ta, Chúa Thánh Thần vừa là nguồn mạch mọi ơn sủng, vừa là Đấng ban phát các ơn cần thiết cho mọi Ki-tô hữu. Kinh Thánh mạc khải rằng, Chúa Thánh Thần hiện diện trong mọi biến cố của lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại. Ngài hiện diện trong công trình sáng tạo (x. St 1,1). Trong biến cố truyền tin, Chúa Thánh Thần là Đấng đã tác động, làm cho Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria (x. Lc 1,35-37). Và sau khi phục sinh, Chúa đã “dạy bảo các tông đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần” (Cv 1,2). Sau khi Chúa Thăng Thiên, chính Chúa đã ban Chúa Thánh Thần lại cho các tông đồ. Từ đó, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện  trong Hội Thánh để giúp cho Hội Thánh của Chúa được thanh luyện, vững mạnh và phát triển.

Chúa Thánh Thần là căn nguyên sự sống và hoạt động của Hội Thánh, của chúng ta (x. Cv 1,8). Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, và nhất là Bí tích Thêm sức, Chúa Thánh Thần đến và hoạt động trong chúng ta, sống trong chúng ta, Ngài thông ban cho chúng ta sự sống của Thiên Chúa, Ngài biến đổi chúng ta, giúp chúng ta nên trưởng thành mạnh mẽ hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến. Chính Chúa Thánh Thần dạy dỗ, nâng đỡ, phù trợ và nuôi dưỡng chúng ta lớn lên trong đời sống làm con cái Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần ban bảy ơn Thánh Thần để soi sáng, hướng dẫn chúng ta trong hành trình đức tin. Chúa Thánh Thần là Đấng bào chữa, Đấng là tình yêu của Thiên Chúa Cha và Chúa Con đã được trao ban cho nhân loại, cho chúng ta. Và cũng chính Thánh Thần của Chúa quy tụ và hiệp nhất chúng ta, giúp chúng ta biết kết hiệp mật thiết với Thánh Thể Chúa mỗi khi chúng ta cử hành phụng vụ, rước lễ hay chầu Thánh Thể… (x. Cv 2,42-47).

Qua lịch sử của Hội Thánh, chúng ta nhận thấy rằng đời sống của các thánh là những chứng nhân hùng hồn nhất về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong Hội Thánh. Có Chúa Thánh Thần, các ngài dám hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống để làm chứng nhân của Chúa. Trước ngày lễ Ngũ tuần, các thánh tông đồ nhút nhát bao nhiêu, thì sau đó, khi Thánh Thần đến, họ can đảm bấy nhiêu. Chính Chúa Thánh Thần biến đổi họ nên những con người can đảm, dấn thân cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng (x. Cv 4,1-31). Chính nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà hàng ngàn vị tử đạo kiên trung trong đức tin, dám hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa. Và ngày nay, vẫn có hàng triệu Ki-tô hữu, nhờ ơn Chúa Thánh thần vẫn âm thầm làm chứng nhân của Chúa bằng chính đời sống đạo sốt mến và tinh thần hiệp nhất, yêu thương, can đảm hy sinh, dấn thân phục vụ gia đình, phục vụ xứ đạo, phục vụ tha nhân…

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể! cũng như hơi thở cần cho thân xác con người ta để sống, thì Chúa Thánh Thần cũng được ví tương tự như vậy. Ngài chính là hơi thở, là nhịp đập của con tim của Hội Thánh, của mỗi Ki-tô hữu chúng con. Không có hơi thở, chúng con chỉ là xác chết. Không có nhịp đập con tim, không có máu lưu thông trong huyết quản, chúng con chỉ là những hồn ma. Chúa Thánh Thần quan trọng đối với Hội Thánh, với chúng con. Ngài là nguồn mạch ơn sủng, là Đấng ban phát mọi ơn, là hơi thở, là nhịp đập của con tim. 

Xin cho chúng con biết tin tưởng và năng chạy tới, cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Xin cho chúng con, bằng mọi cách, cố gắng sống theo sự chỉ dẫn của Chúa Thánh Thần.

Xin cho chúng con biết tôn trọng tha nhân và tôn trọng chính thân xác mình, vì như thánh Phaolô nói: "Thân xác anh em là đền thờ của Chúa Thánh Thần".

Giuse Tạ Minh Thẩm, sss

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

(LỜI CUỐI CỦA NGƯỜI ĐI XA)

Tin Mừng: Mt 28, 16-20

Suy niệm:

Một người khi sắp phải đi xa và không biết đến bao giờ mới có thể gặp lại người thân sẽ có rất nhiều điều tâm sự và nhắn nhủ họ. Lúc ấy, những lời nhắn nhủ thường đã được chất chứa, thai nghén từ nhiều năm tháng trước đó, và đó cũng là những lời rất quan trọng cho cả người đi lẫn kẻ ở lại. Cũng vậy, trước khi về trời, Đức Giê-su đã hẹn gặp mười một môn đệ tại Ga-li-lê để nhắn nhủ vài lời và những lời này cũng là những lời cuối cùng trong Tin mừng của thánh Mát-thêu. “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Qua những lời nhắn nhủ trên ta thấy, Đức Giê-su phục sinh đã nắm trọn chủ quyền về không gian “trên trời dưới đất” và cả thời gian nữa “cho đến ngày tận thế”. Trước đây, khi bắt đầu sứ vụ công khai, Người vào hoang địa để ăn chay thì quỷ đã đưa Người lên một ngọn núi rất cao và chỉ cho Người thấy các nước thế gian rồi nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Tất nhiên, Đức Giê-su không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp với ma quỷ, mà một lòng quy hướng về Chúa Cha, Đấng duy nhất Người thuộc về, để rồi chính Chúa Cha trao quyền cho Người thống trị các dân các nước. Trái lại, ma quỷ chỉ là kẻ lừa dối chứ chẳng thể trao quyền thống trị cho ai, nếu có thì chỉ là sự dữ, xấu xa và chết chóc. Quả thế, Đức Giê-su phục sinh chính là điểm quy chiếu cho các dân các nước, chính họ phải quy hướng, quỳ gối và phụng thờ Người.

Tuy nhiên, để muôn dân nước đều thuộc về Người, đều quỳ gối bái lạy Người, thì chính Người đã trao quyền cho các môn đệ, đó là “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” để làm cho họ cũng trở thành môn đệ của Người như các ông. Quả vậy, trước khi về trời, Đức Giê-su muốn các môn đệ tiếp tục sứ mạng của mình nơi trần thế, đó là rao giảng về Đấng Ki-tô đã chịu chết, sống lại và phục sinh, đồng thời dạy bảo họ tuân giữ và sống những lời mà Người đã rao giảng trước đó. Phương thế Đức Giê-su trao cho các ông là các bí tích, cụ thể là bí tích Rửa tội nhân danh Ba Ngôi để chính Ba Ngôi Thiên Chúa thánh hóa và đưa họ vào trong nhà của Ngài, đó là Hội Thánh. Ngoài ra Người không để các ông làm việc một mình mà luôn đồng hành và ở bên các ông, cũng như những người kế nhiệm các ông cho đến tận thế.

Lời mà Đức Giê-su nhắn nhủ cho mười một môn đệ xưa cũng chính là lời nhắn nhủ cho mỗi người chúng ta, những Ki-tô hữu, những môn đệ nghĩa thiết của Người hôm nay. Là môn đệ của Thầy Giê-su, chúng ta không được phép tự đóng khung và giữ khư khư kho tàng đức tin cho riêng mình, nhưng sẵn sàng mở ra và đến với mọi người chung quanh bằng một đời sống đã thâm nhuần giáo huấn của Chúa, sẵn sàng chia sẽ và nâng đỡ những ai còn lầm đường lạc bước và đi trong bóng tối của những tà thuyết và quan niệm sống dẫn đến sự chết. Khi mở ra như thế, chúng ta mới thực sự cảm nhận được bàn tay của Chúa luôn ở bên và mới thực sự thực hiện di chúc của Người là mở rộng nước Thiên Chúa đến tận cùng thế giới.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, trong cuộc sống hàng ngày, tai chúng con luôn phải nghe mọi thứ tốt-xấu của người khác, lòng chúng con luôn phải suy nghĩ và tính toán những gì liên quan đến cơm áo gạo tiền, và tay chúng con luôn phải vươn ra để thu kéo mọi thứ có thể về cho riêng mình. Thế nhưng, từ một góc rất riêng tư và sâu thẳm, chúng con vẫn nghe thấy Chúa nói, vẫn nhìn thấy Chúa hành động và vẫn cảm được sự chở che và nâng đỡ của Chúa.

Lạy Chúa, ước gì những giây phút riêng tư với Chúa, những ân sủng mà Chúa ban xuống cho chúng con, nhất là những lời mà Chúa nói trong mỗi buổi cử hành luôn là kim chỉ nam và định hướng cho cuộc đời chúng con. Xin cho lời của Người “sắp đi xa” luôn tác động và mở lòng chúng con để chúng con đủ can đảm và dám dấn thân để thực hiện “những lời cuối” của Chúa nơi anh chị em chung quanh chúng con. Amen.

                Fx. Bạch Dương, sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập