ĐỨC KI-TÔ ĐÃ PHỤC SINH

(Chúa Nhật Phục Sinh)  

Tin mừng: (Ga 20, 1-9) 

Suy niệm:

Biến cố Đức Giêsu phục sinh khởi đầu bằng hình ảnh ngôi mộ trống. Sáng sớm ngày thứ nhất, bà Maria Macdala đi ra mộ chỉ mong để ướp xác Chúa lại cho chu đáo hơn, để hoàn tất việc táng xác đã làm vội vàng vào ngày trước lễ Vượt Qua. Những lo buồn và sợ hãi của cuộc thương khó còn như bóng mây u ám che phủ tâm hồn. Nói cách khác, bà đến mồ chỉ để tìm lại một xác chết.

Khi nhìn thấy ngôi mộ trống trơn, bà khó có thể nhận ra Chúa đã sống lại. Mầu nhiệm phục sinh còn đang vượt quá những suy nghĩ và xác tín của bà. Điều duy nhất bà nghĩ tới là “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

Còn Phêrô? Ông chạy đến mồ, quan sát những gì đã xảy ra và tìm cách biện minh: Tại sao thế này và tại sao thế nọ? Với một tâm trạng như thế, ông cũng khó có thể nhận ra Chúa đã sống lại.

Sau cùng là thái độ của Gioan. Ông yêu thương Chúa Giêsu và biết rằng Chúa cũng rất yêu thương ông. Tình yêu của ông được biểu lộ nhất là trong những giờ phút sau hết của Chúa Giêsu. Ông đã theo chân Chúa trên con đường thập giá cho đến phút cuối cùng và chỉ trở về nhà với Mẹ Maria sau khi đã chôn cất Chúa. Kinh nghiệm cho thấy khi yêu thương ai, chúng ta luôn nghĩ đến người ấy, luôn cảm thấy sự hiện diện của người ấy trong cuộc đời mình, Với cái nhìn đó, Gioan đã dễ dàng nhận ra sự kiện Chúa đã sống lại: “Ông đã thấy và ông đã tin.”

Ngôi mộ trống không phải là bằng chứng Đức Giêsu phục sinh nhưng là dấu chỉ giúp các môn đệ nhớ lại những lời tiên báo về cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa.

Gioan chạy ra mộ, chứng kiến sự việc và thầm tin vào lời Đức Giêsu. Trên hết, tin mừng phục sinh khởi đi từ lòng tin tưởng vào lời hứa của Chúa Giêsu. “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại”

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, cuộc thương khó của Chúa có lẽ vượt sức chịu đựng của các môn đệ và những người thân tín. Và nếu chỉ dừng lại ở cuộc thương khó, có lẽ cuộc đời thật bi đát. Nhưng dưới ánh sáng và vinh quang phục sinh, các môn đệ được bình an, tìm được nguồn hy vọng và sức sống mới. Niềm đau mất mát và nỗi buồn chia xa giờ đây được thay thế bằng niềm vui hội ngộ và hy vọng sự sống vĩnh cửu.

Lạy Chúa, bình an và niềm vui phục sinh là sức mạnh và động lực cho chúng con trên những bước thăng trầm cuộc sống. Từ đây, chúng con không tránh né đau khổ và cũng không để khổ đau ghì chặt mình trong thất vọng. Ước gì khi sống niềm vui phục sinh của Chúa, chúng con không tìm quên trong thất vọng nhưng tìm kiếm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, được bình an trong tâm hồn và tràn đầy niềm hy vọng bước theo Chúa ngày một gần hơn. Amen

Tịnh Lam, sss

“BÌNH AN CHO ANH EM”

(Chúa Nhật 2 Phục Sinh)

Tin mừng: (Ga 20, 19-31)

Suy niệm:

“Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Với câu tuyên bố nhiều nghi nan và đầy tính thách thức ấy, Tôma thường bị xem như là đại diện cho những kẻ kém lòng tin. Tuy nhiên, tiến trình dẫn đến đức tin của Tôma quả là một tiến trình đặc biệt. Thật ra, trước sự kiện Đức Giêsu sống lại, Tôma không phải là người duy nhất trong số các môn đệ tỏ ra nghi ngờ và hoang mang. Có những môn đệ chán nản bỏ về quê sau khi đã được nghe các chứng nhân kể lại việc họ đã gặp Đấng Phục Sinh.

Đằng sau lời tuyên bố đầy tính nghi nan và thách thức của Tôma, ta có cảm tưởng ông là đại diện cho những người chủ trương chỉ tin vào những điều có thể xác định được bằng các phương pháp khoa học thực nghiệm như cân, đo, đong, đếm. Nhất là ngày nay chúng ta chứng kiến bao nhiêu là kỳ công từ những phát minh của khoa học, nhiều người đặt trọn vẹn hy vọng của mình vào trí thông minh nhân loại.

Thật là bi kịch khi người ta không nhận ra rằng lý trí của con người luôn có đầy những giới hạn. Có những điều có thực mà người ta không thấy, không biết. Làm sao bạn kiểm chứng được tình yêu? Làm sao bạn kiểm chứng được mức độ đáng tin nơi một người bạn? Đi cho đến cùng, những điều chúng ta tin chẳng bao giờ có thể giải quyết cách rốt ráo chỉ bằng lý trí. Ánh sáng chân lý là điều được tỏ hiện không phải với những người chỉ biết suy tư bằng cái đầu, nhưng còn biết yêu mến bằng con tim, biết chiêm ngưỡng bằng đôi mắt và biết quy phục bằng đầu gối của mình. Thế nên thật chí lý khi Đức Giêsu Phục Sinh nói với Tôma, cũng là nói với chính chúng ta: “phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga 20, 29).

Những người dám tin là những người có phúc. Họ có phúc vì dám mở rộng con tim để đặt hy vọng cuộc đời mình nơi một điều gì đó vượt cao hơn tầm kiểm soát của lý trí con người. Họ có phúc vì được sống trong bình an và tương quan rộng mở, chứ không chỉ loay hoay sống với óc hạn hẹp của mình.

Thách đố mà Tôma phải đối mặt cũng chính là thách đố cho từng người trong chúng ta ngày nay. Thế nhưng, Đức Giêsu đã đến với Tôma. Ngài chấp nhận đưa ra những vết thương trong thân xác mình cho Tôma kiểm chứng. Nơi thân xác Đức Giêsu Phục Sinh, Tôma nhận ra vinh quang của Thiên Chúa. Người hiện diện trước mặt ông vẫn là Thầy xưa của mình, vẫn thân thương gần gũi với mình, nhưng Người ấy cũng mới mẻ và vinh quang tột cùng. Ông thốt lên: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con.” Tôma là người đầu tiên trong nhóm các môn đệ tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa. Không có cuộc hiện đến dành riêng cho Tôma, ông vẫn không thể thóat ra khỏi tâm trí ảm đạm của mình.

Chúa đã cho các tông đô và đặc biệt là Tôma xem các vết thương. Đó là những vết thương còn lại trên thân xác phục sinh. Vết thương ấy là dấu chỉ của tình yêu, vết sẹo ấy là kết quả của tha thứ. Như vậy, những vết sẹo ấy không chỉ là bằng chứng sống động Chúa đã phục sinh, nhưng còn là dấu chỉ của tình yêu đến cùng, của tình bạn đến hy sinh mạng sống, và của lòng thương xót tha thứ vô hạn của Thiên Chúa.

Khi tận mắt thấy và chạm đến những vết thương của Chúa, Tôma không chỉ tin và tuyên xứng đức tin, ông còn có một kinh nghiệm thiêng liêng khác: ông được mời gọi để chạm đến lòng thương xót vô biên của Chúa qua những vết thương.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, thật ý nghĩa ngày lễ hôm nay Giáo Hội kính lòng thương xót của Chúa. Chúa đã muốn cho chúng con chạm đến lòng thương xót vô biên của Chúa. Xin Chúa hãy đến và đụng chạm đến chúng con, đến những vết thương chưa lành, trong tâm hồn và nơi thân xác chúng con.

Lạy Chúa, chúng con được mời gọi hiệp thông với Chúa trong đau khổ để cùng với Ngài thông phần vinh quang. Không phải hy sinh nào cũng vô nghĩa. Đôi khi để yêu thương và tha thứ, chúng con cần phải hy sinh, có thể phải chịu những vết thương. Xin Chúa chữa lành, đổi mới và thánh hoá chúng con, để chúng con  cũng được chung phần vinh phúc của Đấng đã chết và sống lại cho chúng con. Amen

Tịnh Lam, sss

 

HÀNH TRÌNH E-MAU

 NIỀM VUI TRONG CHÚA KI-TÔ PHỤC SINH

(Chúa Nhật 3 Phục Sinh) 

Tin mừng: (Lc 24, 35-48)

Suy niệm:

Nếu có một người nào đó nuôi nhiều hòai bão trong đời, nhưng bỗng chốc tất cả tan tành theo mây khói thì đó quả là kinh nghiệm khủng khiếp cho người đó, nhất là những người trẻ mới bước vào đời.

Hai môn đệ trên đường Emmau cũng tự liệt mình vào số phận của những người kém may mắn như thế. Họ đã nghe lời của một vị tự xưng là Thầy, vị ấy còn đòi họ bỏ hết tất cả để theo. Coi như họ đã trao hết tương lai của họ cho vị Thầy đáng kính ấy, cho đến khi chính họ chứng kiến cảnh vị Thầy bị treo lên giữa trời và đất. Họ đã vỡ mộng!

Họ đã quyết định về quê. Trên đường trở về, sự thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt hai người trẻ, và người ta dễ dàng nhận ra qua những lời nói nặng trĩu trong tâm hồn họ: “…. Chuyện ông Giêsu Nazarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.” Với lời các ông kể, các ông thất vọng là phải. Họ không thấy gì sáng hơn là cảnh đóng đinh và bây giờ là một ngôi mộ mất xác. Các ông chỉ thấy đến đó, còn Chúa Giê-su Phục Sinh thì lại chỉ cho các ông ý nghĩa của những điều các ông nhìn thấy.

Chúa Giê-su tiến đến để bắt đầu câu chuyện. Giê-su đã không khởi đi từ sự hân hoan Phục Sinh của Ngài, nhưng Ngài đi từ thực tại buồn bã của hai môn đệ đang thất vọng. Chúa Phục Sinh đã từ từ gỡ rối và mở cánh cửa hy vọng lại cho hai ông. Ngài đi từ những điều rất quen thuộc trong Kinh Thánh đến những gì thật sự đã xảy ra với Ngài. Và họ đã hiểu!

Lời Chúa luôn là điểm quy chiếu để hiểu những vấn đề đức tin. Những môn đệ chưa hiểu lời Kinh Thánh và họ cần được Chúa Phục Sinh giải thích. Nếu họ chỉ loay hoay với những sự kiện xảy ra trước mắt tưởng chừng như không thể sai được, thì Chúa Phục Sinh dẫn họ đi xa hơn những gì họ thấy. Những khẳng định của họ không sai về những gì đã xảy ra, nhưng còn thiếu. Họ đang thiếu cái nhìn đức tin để có thể hiểu và tin những gì xảy ra vượt quá sức tưởng tượng của họ.

Chính vì thế mà hai môn đệ đã như coi thường lời của các phụ nữ: “Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống”. Những điều các bà ấy nói quả là quá viễn vông dưới cái nhìn sự kiện. Và Chúa dẫn họ đến cái nhìn của chiêm ngắm và cầu nguyện. Lời của Ngài đã khiến lòng họ cháy bừng lên. Họ đã mời Ngài ở lại và Ngài đã không từ chối.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, hai môn đệ trên đường Emmau đã không ngại bỏ về quê dù sự việc mới xảy ra chỉ có ba ngày. Nếu Chúa không rảo bước theo họ, thì chắc họ đã vỡ mộng đến cuối đời. Xin Chúa giúp chúng con biết kiên nhẫn và cầu nguyện trong những lúc rối bời, những lúc bị thử thách chao đảo niềm tin.  “Kiên nhẫn” - để với sức cố gắng của con người, chúng con cải thiện tình thế. Và “cầu nguyện” – để với sự đồng hành của Chúa, chúng con nhận biết ánh sáng đang ẩn khuất đàng sau đêm tối khó khăn.

Ước gì chúng con cũng như hai môn đệ trên đường Emmau, một khi nhận ra lòng mình bừng cháy khi trò chuyện với Chúa, chúng con đừng để Ngài đi mất mà không mời Ngài tiếp tục ở lại với chúng con! Ước gì chúng con hân hoan tiếp tục làm chứng tá cho Chúa, nhờ sự hiện diện và đồng hành của Đấng Phục Sinh!

Thanh Quang, sss

 

TRONG THINH LẶNG, LẮNG NGHE TIẾNG NÓI CỦA MỤC TỬ NHÂN LÀNH

(Chúa Nhật 4 Phục Sinh)

Tin mừng: (Ga 10, 11-18)

Suy niệm:

Hôm nay Chúa Giê-su sử dụng hình ảnh người mục tử nhân lành để giới thiệu với chúng ta rằng chính Ngài là tiếng nói đáng tin cậy. Người nói với mỗi người chúng ta rằng cần phải lưu tâm đến tiếng nói của Ngài và chính trong thinh lặng của cõi lòng mình chúng ta mới có thể nhận ra tiếng Ngài và gặp gỡ được Ngài.

Chúa Giê-su chính là vị mục tử nhân lành. Ngài dành trọn tình yêu cho đoàn chiên. Tình yêu của Chúa là một tình yêu hy sinh. Hy sinh chính là dấu chỉ chắc chắn nhất của một tình yêu. Càng yêu nhiều càng sẵn sàng hy sinh nhiều. Tình yêu của Chúa cao cả và vĩ đại lắm thay khi Ngài hiến trọn mạng sống mình vì đàn chiên. Chúa Giê-su đã xác nhận điều đó khi Ngài nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống của mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Chính Ngài đã thực hiện điều ấy. Ngài là mục tử nhân lành sẵn sàng liều mạng một mình chống lại sói dữ để bảo vệ đoàn chiên. Ngài đã tự hiến mạng sống vì chúng ta. Ngài đã chấp nhận chết đi để chúng ta được sống.

Hạnh phúc cho chúng ta được là đoàn chiên của Ngài. Nhưng chúng ta có đáp trả lại tình yêu bao la của Ngài đối với chúng ta hay không? Chúng ta có lắng nghe được tiếng Chúa, lời mời gọi yêu thương của Chúa hay không? Có rất nhiều tiếng nói bên ngoài làm cho chúng ta xao nhãng và chia trí. Chúng ta nhiều khi chỉ chạy theo tiếng mời gọi của tiền tài danh vọng và các niềm vui của thế gian mà quên đi sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời của mình. Chúng ta có thể dành nhiều tiếng đồng hồ để nghe một buổi trình diễn văn nghệ, nhiều tiếng đồng hồ để xem một bộ phim hay. Nhưng chúng ta lại không thể dành được một tiếng đồng hồ để đến với Chúa, để lắng nghe lời mời gọi yêu thương của Chúa nơi bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, Ngài vẫn luôn yêu thương và đợi chờ chúng con nơi Bí Tích Thánh Thể, nơi suối nguồn yêu thương vô tận. Xin cho chúng con biết tận dụng những giây phút quý giá trong cuộc đời để đến với Chúa, để đáp trả lại tình yêu của Ngài, để chúng con thực sự cảm nếm được hạnh phúc trong cuộc đời khi chúng con luôn lắng nghe và đáp trả lời mời gọi yêu thương của Chúa.

Laurensô Hoàng Bá Chiến, sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập