(Tiếp theo kỳ trước…)

BÀI 22

Giống Như Âm Vang

 

Khi ai đó nói với chúng ta thường thì chúng ta phải đáp lại, nếu không là mất lịch sự. Cũng vậy, khi Thiên Chúa nói với dân Ngài thì họ cũng đáp lại, đó là những gì luôn diễn ra trong thánh lễ: sau khi công bố Lời Chúa trong bài đọc I, mọi người cùng đáp lại lời xướng trong phần đáp ca, long trọng hơn thì hát một bài thánh vịnh, được gọi là thánh vịnh đáp ca.

Ý nghĩa thật rõ ràng: thánh vịnh được coi là lời để đáp lại Lời, vì Thiên Chúa mới nói với chúng ta qua bài đọc trong Cựu Ước (Bài đọc I).

Nhiều người thấy khó hiểu thánh vịnh, mà quả thực là như vậy. Sự khó khăn này một phần là do chúng ta không nhận ra sự nối kết giữa thánh vịnh đáp ca với bài đọc I, vì bài đọc I là chìa khoá và là bí quyết giúp chúng ta hiểu ý nghĩa và mục đích sâu xa của thánh vịnh.

Thánh vịnh được nối kết sâu xa với bài đọc I, thậm chí còn được coi là “âm vang” của bài đọc I. Hầu hết các thánh vịnh đáp ca, cụ thể là câu điệp khúc, luôn đề cập đến một vài từ quan trọng đã được công bố trong bài đọc I. Nói cách khác, người ta có thể đáp lại Thiên Chúa bằng việc lặp lại những lời mà họ đã được nghe. Ví dụ, nếu trong bài đọc I nói về tình yêu và sự quan tâm chăm sóc của Thiên Chúa đối với dân Ngài, thì thánh vịnh đáp ca hay câu điệp khúc có thể là: “Thiên Chúa là mục tử tôi, tôi không còn lo sợ và ham muốn điều gì”.

Bài đọc I và thánh vịnh đáp ca đan kết với nhau: giống như Thiên Chúa nói với dân Ngài trong bài đọc I: “Hãy nhìn xem Ta yêu ngươi như thế nào; hãy nhìn xem Ta đã làm gì cho ngươi.”, và thánh vịnh là lời đáp: “Ôi lạy Chúa, quả thực Ngài đã yêu chúng con; quả thực Ngài đã làm bao việc lạ lùng cho chúng con.”

Quả thật, chúng ta có thể so sánh bài đọc I và thánh vịnh đáp ca như lời tâm sự của hai người đang yêu nhau.

 

 

Tác giả: Lm Jean-Yves Garneau,sss 

Chuyển ngữ: Lm Px. Nguyễn Bạch Dương,sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập