|
(Tiếp theo kỳ trước…) BÀI 11“Chúa ở cùng anh chị em”
Sau khi cùng làm dấu thánh giá với mọi người, linh mục nói lên lời chúc của mình cho toàn thể cộng đoàn. Có ba lời chúc được gợi ý: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Ki-tô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.” “Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em.” “Chúa ở cùng anh chị em.” Lời chúc thứ ba được biết nhiều hơn, vì đó là một trong những cách thức thường được dùng và cũng được lặp lại nhiều lần trong Thánh lễ: trước khi công bố Tin Mừng; ngay đầu cuộc đối thoại giới thiệu Kinh nguyện Thánh Thể; trước lời chúc lành cuối lễ. Vì câu “Chúa ở cùng anh chị em” được công bố bốn lần trong Thánh lễ, nên rất quan trọng. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rô-ma đưa ra lời giải thích dưới đây: “Vị tư tế dùng lời chào mà nói cho cộng đoàn biết là có Chúa hiện diện. Lời chào của vị tư tế và câu đáp của giáo dân nói lên mầu nhiệm của Hội Thánh đã được quy tụ lại” (số 50). Để hiểu lời chúc này rõ hơn, chúng ta hãy nhớ lại cách thức mà sứ thần Gabriel chào Đức Ma-ri-a khi loan báo Mẹ sẽ là Mẹ của Con Thiên Chúa: “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà’” (Lc 1:28). Mặt khác cũng gợi lại lời mà Đức Giê-su đã hứa với các môn đệ: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:20). Vì thế, ngay từ phút đầu của buổi cử hành phụng vụ, linh mục đã mời gọi mỗi người trong công đoàn nhận thức một cách đầy đủ rằng chính họ làm nên một thân thể, trong đó Đức Giê-su Ki-tô là đầu, nghĩa là họ không cử hành Bí tích Thánh Thể một mình, nhưng Đức Giê-su là Thầy và là Chúa đang thực sự hiện diện ở giữa họ: vì họ được quy tụ nhân danh Người và do lời mời gọi của Người. Sự nhận biết này là căn bản, và là nền tảng, vì thế chúng ta không được quên. Đây chính lý do tại sao công thức này luôn được lặp lại vào những khoảnh khắc quan trọng trong Thánh lễ. Nếu tách mình ra khỏi Đức Giê-su Ki-tô thì nhóm họp không thể dâng lời tạ ơn một cách xứng hợp lên Thiên Chúa Cha được, nghĩa là không thể nói với Cha theo cách “đụng chạm vào cung lòng Ngài”. Chúng ta cũng biết rằng lời này là một lời chúc (Chúa ở cùng anh chị em) hơn là một lời khẳng định (Chúa thì ở cùng anh chị em). Lý do là để nài xin Thiên Chúa cho mọi người nhận biết về lời hứa của Con Ngài. Câu này được dùng nhiều lần trong Thánh lễ để lời hứa của Ngài được nhận biết nơi dân Ngài.
Tác giả: Lm Jean-Yves Garneau,sss. chuyển ngữ: Lm Px. Nguyễn Bạch Dương,sss |