|
SỐNG SỨ ĐIỆP LÒNG THƯƠNG XÓT LÀ SỐNG BÍ TÍCH THÁNH THỂ
“Misericordiae Vultus” (Dung mạo thương xót). Đó là tựa đề của tông sắc mà Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành cho Năm Thánh đặc biệt về lòng Chúa thương xót. Đức Thánh Cha nói rằng: - lòng thương xót là “con đường liên kết Thiên Chúa với con người, vì mở rộng tâm hồn cho niềm hy vọng được yêu thương mãi mãi, mặc dù có những giới hạn do tội lỗi chúng ta”; - lòng thương xót là “luật căn bản ở trong tâm hồn mỗi người”; - lòng thương xót là “xà nhà nâng đỡ cuộc sống của Giáo Hội”; “là lý tưởng sống và là tiêu chuẩn xác định xem niềm tin của chúng ta có đáng tín nhiệm hay không”. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng lòng thương xót “không phải là một dấu chỉ sự yếu nhược, nhưng đúng hơn là phẩm tính toàn năng của Thiên Chúa”. Trong Chúa Giêsu, “tất cả đều nói về lòng thương xót và không gì bị thiếu sự cảm thương”, vì “con người của Chúa Giêsu không là gì khác hơn là tình thương, một tình thương trao ban nhưng không”. Mặt khác, Công Đồng Vaticanô II gọi Bí Tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu” (Lumen Gentium số 11). Nhờ Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta được kết hợp mật thiết với Đức Kitô, và càng ngày càng trở nên giống Người. Vì thế, Sống Thánh Thể thật là cần thiết cho việc lớn lên và phát triển đời sống thiêng liêng. Mọi bàn luận về lòng thương xót cần bao gồm Bí Tích Thánh Thể vì cả hai là một. Lòng thương xót là Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể. Hay nói đúng hơn, sống sứ điệp lòng thương xót là sống Bí Tích Thánh Thể Chúa muốn chúng ta không những chỉ rước Thánh Thể, mà còn muốn chúng ta sống Thánh Thể. Sống Thánh Thể có nghĩa là để cho Chúa Giêsu ngự vào từng tế bào của thân thể chúng ta và để ân sủng Người biến đổi toàn diện con người chúng ta. Nhờ thế chúng ta trở thành biểu tượng của tình yêu cao vời của Người giữa thế gian. Trước hết, sống Bí Tích Thánh Thể là quy chiếu tất cả về Chúa, làm tất cả mọi sự trong đời để tôn vinh Chúa. “Vậy, dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cor 10, 31)… Thánh Thể là mầu nhiệm để sống, mà sống Thánh Thể là để những tia sáng thương xót từ Thánh Thể Chúa chiếu qua chúng ta đến toàn thế giới. Nhờ đó chúng ta trở nên hình ảnh của lòng thương xót, chiếu tình yêu và lòng thương xót vào lòng tha nhân. "Các con là ánh sáng thế gian, một thành xây trên đồi cao không thể giấu được. Không ai thắp đèn và để ở đưới đáy thùng, nhưng để trên giá mà soi sáng cả nhà. Hãy tỏa sự sáng của các con ra trước mặt mọi người, để họ thấy việc lành các con làm mà ngợi khen Cha các con trên Trời" (Mt. 5:14-16) Một cách thức thực hành để sống Thánh Thể đó là cầu nguyện trước Thánh Thể thường xuyên. Đắm chìm trong cầu nguyện, kề bên lòng Chúa, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: Có Chúa là có tất cả. Chúa là đủ cho tôi rồi. Ngài luôn hiện diện bên cạnh chúng ta. Theo gương Chúa Giê-su, biết bao người đã chìm sâu trong cầu nguyện và tín thác hoàn toàn vào bàn tay nhân ái và hay thương xót của Chúa, khi họ rơi vào trong những hoàn cảnh khổ đau. Qua chính việc cầu nguyện trước Thánh Thể, họ tìm lại được bình an cho cuộc sống. Trong đêm đen của cuộc đời, các bạn đừng quên cầu nguyện, vì trong cầu nguyện chúng ta có cơ may gặp Đấng nhân lành hay thương xót, chúng ta sẽ ung dung đi lại, hít thở và sống khoẻ vào mọi lúc, ban ngày cũng như ban đêm; Có Chúa ở bên và chăm lo, mọi giây phút của cuộc đời chúng ta không còn vướng bận ưu tư cho những giây phút kế tiếp. Tuy nhiên, đời người luôn lại phải đối diện với ngõ cụt, với những giây phút thê thảm và bất hạnh nhất ? Lúc đó cầu nguyện như thế nào để tìm lại được bình an? Chúng ta có thể học ở Chúa Giê-su, cách Ngài cầu nguyện đêm trước ngày Chúa bị tử nạn trong vườn Giếtsêmani, ngày đen tối nhất cuộc đời Ngài… Tin Mừng mô tả như sau: Chúa Giê-su đi ra xa khỏi các môn đệ, khoảng một tầm ném đá, và sấp mình xuống đất mà cầu nguyện. ‘Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, nếu Cha muốn, xin hãy cất chén này khỏi con. Nhưng xin theo ý Cha, đừng theo ý con’. Và Ngài trở lại, thấy các môn đệ đang say ngủ. Nên Ngài lại đi vào vườn lần nữa, đau đớn cầu nguyện khẩn thiết hơn nữa, và mồ hôi Ngài đổ xuống đất như những giọt máu. Khi chỗi dậy, Ngài về lại với các môn đệ, thấy các ông vẫn ngủ, lòng Ngài đau buồn cùng cực. “Tại sao các con lại ngủ? Hãy dậy và cầu nguyện để đừng sa chước cám dỗ”. Và Ngài đi cầu nguyện lần thứ ba, một thiên thần đến và tăng sức cho Ngài, rồi Ngài đứng dậy mạnh mẽ đối diện với những gì sẽ đến. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn Giếtsêmani có thể là lời cầu nguyện mẫu để chúng ta biết cách cầu nguyện khi ở trong cơn khủng hoảng. Vậy Bí Tích Thánh Thể là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta. Nơi đó ta gặp được biển tình thương xót bao la của Chúa.
Tùy Phong, sss NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA VIỆC TÔN THỜ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ SU
Bước vào tháng sáu là chúng ta bước vào mẫu gương của tình yêu tuyệt vời nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ Maria. Thánh Tâm Chúa Giêsu bừng cháy lửa yêu thương nhân loại. Qua dòng lịch sử của ơn Cứu độ, Thiên Chúa luôn đồng hành, nâng đỡ và yêu thương Dân Ngài. Con người ngập tràn trong tội lỗi nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc, nhưng đã tưới gội bằng ngàn muôn ân sủng của Ngài. Máu và Nước từ Thánh Tâm Chúa Giêsu đã trở nên nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Qua mọi thời đại, con người vẫn luôn được mời gọi chạy đến với Thánh Tâm Chúa, để đón nhận tình yêu và sự đỡ nâng của chính Chúa. Không ai có thể thấu hiểu được tình yêu cứu độ cao sâu, huyền nhiệm, vô tận mà Thiên Chúa dành cho loài người, nếu như Người không biểu lộ điều ấy cách cụ thể qua Con Một của Người là Chúa Giêsu Kitô. Vào những thế kỷ đầu của lịch sử Giáo Hội, Phụng Vụ chưa có hướng dẫn về sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Việc đạo đức chỉ do các tu sĩ dòng Thánh Augustinô, Biển Đức, Đaminh, Phanxicô, hướng vào tôn kính Năm Dấu Thánh Chúa Giêsu: Các dấu đinh vào hai tay, hai chân Chúa và dấu lưỡi đòng thâu qua cạnh sườn đến trái tim “máu cùng nước chảy ra”. Dù vậy, cũng có nhiều suy niệm liên quan đến việc đạo đức tôn thờ lòng Yêu Thương của Thiên Chúa diễn giải từ Tin Mừng Thánh Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3: 16). Điều này thúc giục người tín hữu nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa và yêu mến Đấng được Thên Chúa Cha ban cho nhân loại, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, là Đức Giêsu Kitô làm người, chịu mọi khổ hình, đổ hết giọt máu và nước cuối cùng, chịu chết để cứu chuộc nhân loại vì lòng yêu thương và từ bi nhân hậu của Người, để hòa giải nhân loại tội lỗi với Thiên Chúa. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu đầu tiên được cử hành ngày 31-8-1670 ở Rennes, Pháp, nhờ nỗ lực của linh mục Gioan Eudes (1602-1680). Tại Rennes, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lan rộng, nhờ thị kiến của thánh nữ Margaret Maria Alacoque (1647-1690) mà lòng sùng kinh Thánh Tâm Chúa Giêsu mới lan rộng toàn cầu. Trong những lần thị kiến, Chúa Giêsu hiện ra với thánh nữ Margarita Maria, Thánh Tâm Chúa Giêsu là trung tâm điểm. Lần hiện ra "quan trọng" nhất xảy ra vào ngày 16-6-1675, trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh, là nguồn gốc lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong lần thị kiến đó, Chúa Kitô yêu cầu thánh nữ Margarita Maria xin được mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào thứ Sáu sau tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh, để đền tạ những sự xúc phạm của con người đối với sự hy sinh của Chúa Giêsu. Thánh Tâm Chúa Giêsu không đơn giản là trái tim bình thường mà còn là Tình yêu Ngài dành cho nhân loại. Qua các lần hiện ra với thánh nữ Margarita Maria, Chúa Giêsu đã cho thánh nữ được chiêm ngưỡng Trái Tim Người, “một trái tim đã yêu thương con người đến thế, mà chỉ nhận được sự đáp trả bạc bẽo vô ơn.” Thánh nữ còn được Chúa Giêsu ủy thác việc xin Bề trên Giáo Hội cho thiết lập một ngày lễ kính Thánh Tâm. Chúa Giêsu đã mở Trái Tim Người ra và phán, “Hãy nhìn xem Trái Tim này, Trái Tim yêu thương con người qúa sức đến không tiếc sự gì cho đến tiêu hao kiệt quệ. Phải đền tạ Thánh Tâm vì những xúc phạm của loài người. Cha hứa với con rằng Trái Tim sẽ rộng mở để tràn đổ muôn vàn ơn phúc trên những kẻ tôn kính Trái Tim Cha.” Với nữ tu Josefa Menendes người Tây Ban Nha, Chúa phán: “Josefa ơi! Hãy để cho các tâm tưởng của Trái Tim Cha lắng sâu trong tim con.” Với nữ tu Consolata Betrone người Ý, Chúa đã phán: “Hãy yêu mến Cha thay cho tất cả và bằng lời cầu nguyện không ngừng cho cuộc chiến thắng của Trái Tim Cha và của tình yêu của Cha khắp trái đất.” Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trở nên phổ biến sau khi thánh nữ Margarita Maria qua đời năm 1690, nhưng vì Giáo hội còn nghi ngờ tính hợp lệ đối với thị kiến của thánh nữ Margarita Maria, mãi đến năm 1765 thì lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu mới chính thức được cử hành ở Pháp. Gần 100 năm sau, tức năm 1856, ĐGH Piô IX yêu cầu các giám mục Pháp mở rộng lễ này ở mức toàn cầu. Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu được cử hành vào Thứ Sáu sau tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh, hoặc 19 ngày sau Chúa Nhật Hiện Xuống, như Chúa Giêsu mong muốn. Ngày 25-1-1765, Thánh Bộ Lễ Nghi chấp nhận khẩn nguyện của các tín hữu đã công bố Sắc Lệnh Lễ Thánh Tâm. Vào ngày 6-2-1765, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XIII cho phép các Giám Mục Balan và Liên Tu Hội Roma dòng Thánh Tâm mừng lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Với sắc lệnh ngày 23.08.1856, Đức Thánh Cha Pio thứ IX (1846-1878) do thỉnh cầu của các Giám Mục Pháp và một số Giám Mục trên thế giới đã chấp thuận lập lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong khắp Giáo Hội và phải được cử hành một cách trang trọng và đưa vào lịch Phụng Vụ. Tháng Sáu kính Thánh Tâm Chúa Giêsu bắt nguồn từ những tâm tình và thị kiến đó. Ngày 25-5-1856, Đức Thánh Cha Leo thứ 13 đã ban hành thông điệp Annum Sacrum khẳng định việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là một phương thế đạo đức tuyệt hảo nhất và mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cao trọng cho các tín hữu. Cũng trong Thông điệp “Annum Sacrum”, Đức Leô XIII chỉ thị rằng: “Trước ngày dâng nhân loại cho Trái Tim Chúa, tức ngày 11 tháng 6, cần làm tuần Tam Nhật để chuẩn bị tâm hồn các tín hữu”. Với lễ nghi này, việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, do thánh nữ Margarita Maria phổ biến từ 225 năm trước, đã đạt tới tột điểm. Ðức Thánh Cha Leô 13 đã gọi việc dâng nhân loại cho Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là một hình thức của việc tôn sùng, ca ngợi và là điểm cao nhất trong tất cả các việc sùng kính khác đối với Trái Tim Chúa cho tới lúc bấy giờ. Đức Thánh Cha Piô X, khi ban lệnh thi hành việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngài đã minh định: “Việc tôn thờ Trái Tim cực thánh Chúa Giêsu là trường học hữu hiệu nhất về Tình Yêu Thiên Chúa, bởi vì Tình Yêu, vốn là nền tảng của Nước Trời, phải được xây dựng trong các linh hồn, các gia đình và các quốc gia”. Đức Thánh Cha Piô XI, trong văn kiện “Caritate Christi compulsi” ban hành ngày 3-5-1932, đã nhận định: “Lòng sùng kính Thánh Tâm là một phương dược phi thường cho những nhu cầu ngoại thường của thời đại chúng ta.” Lòng sùng kính Thánh Tâm được diễn tả như một “sự tổng hợp của toàn bộ tôn giáo chúng ta”, và nếu được thực hiện “sẽ rất chắc chắn dẫn chúng ta đến việc biết Chúa Kitô một cách thân mật và sẽ làm cho tâm hồn chúng ta yêu mến Người cách dịu dàng và kết thân với Người một cách quảng đại hơn.” Ngày 15-5-1956, để kỷ niệm 100 năm ngày Đức thánh cha Piô IX ban lệnh mừng kính trọng thể Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo trên khắp thế giới, Đức Thánh Cha Piô XII đã ban hành Thông Điệp Tôn Sùng Thánh Tâm dưới tên Haurietis Aquas gồm 119 mục. Đây là một Thông Điệp có giá trị tuyệt đối về việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu qua dòng thời gian cho đến ngày nay. Trong thông điệp này, Đức Thánh Cha Pio XII đã nhấn mạnh đến những lý do phải tôn sùng Thánh Tâm Chúa “khi chứng kiến được dòng nước ơn cứu độ chan chứa phi thường, tức là Hồng Ân của Tình Yêu Thiên Chúa, phun vọt ra từ Trái Tim Đấng Cứu Chuộc, đổ tràn đầy trên con cái Giáo Hội”; và đối với chính Trái Tim Chúa Giêsu thì “bởi vì hơn tất cả mọi thành phần của thân thể mình Chúa, Trái Tim Ngài là biểu hiệu tự nhiên của tình yêu vô bờ bến của Ngài đối với nhân loại”. Tình yêu đó là một tình yêu vĩnh cửu bắt nguồn từ tình yêu đời đời của Thiên Chúa : “Ta đã yêu thương ngươi với một tình yêu muôn thuở” (Gr 31,2). Ngài đã khẳng định: “Lòng sùng kính rất thánh Trái Tim Chúa Giêsu quan trọng đến nỗi khi được thực hành đúng đắn, có thể được coi như sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo cách hoàn hảo. Nó không phải chỉ là một hình thức đạo đức bình thường mà ai nấy tùy ý thực hiện, như thể không có hiệu quả gì hay bỏ qua một bên như là thua kém các việc đạo đức khác.” Và ngài cũng nhấn mạnh thêm: “Ý nghĩa thâm sâu của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là lấy tình yêu đáp trả tình yêu!” Đức chân phước giáo hoàng Gioan XXIII trong cuốn “Nhật Ký Tâm Hồn”, đã nhấn mạnh: “Chính Trái Tim Chúa Giêsu là nơi tôi phải hướng đến để tìm ra giải đáp cho mọi vấn nạn của tôi. Tôi muốn lòng sùng kính Trái Tim Người, ẩn dấu trong Bí tích Tình Yêu, là thước đo cho tất cả sự tiến bộ tâm linh của tôi. Tôi quyết tâm không để mình ngơi nghỉ cho đến khi tôi có thể thực sự nói rằng tôi đã được tan hòa vào trong Trái Tim Chúa Giêsu.” Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong tông huấn “Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu” ban hành ngày 6-2-1965 nhân kỉ niệm 200 năm thành lập Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã viết: “Sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là việc rất cao quí và đặc biệt cần thiết cho thời đại này. Ta ước mong việc này được tổ chức với Nghi thức Phụng vụ để phát triển mỗi ngày mỗi rộng lớn hơn, hầu cho mọi Kitô hữu được say sưa lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa và nhờ đó, được đổi mới về mọi phương diện. Việc tôn sùng này cốt yếu là kính thờ Chúa Giêsu một cách xứng đáng và đền tạ Thánh Tâm Người vì những xúc phạm của chúng ta.”. Trong một bài diễn văn, Đức Thánh Cha Phaolô VI cũng đã nêu lên tính cách hợp thời của lòng sùng kính Thánh Tâm như “là phương thế hữu hiệu nhất để đóng góp vào việc canh tân tâm linh và luân lý của thế giới.” Đức Chân Phước Gioan Phaolô II là vị Giáo Hoàng đắc cử ngày 16-10-1978, đúng vào ngày lễ nhớ thánh nữ Margarita Maria – vị Tông đồ của Thánh Tâm Chúa, đã mạnh mẽ minh xác sự cần thiết của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong thời đại chúng ta như sau: “Trong nhiều dịp khác nhau, tôi đã bày tỏ lòng xác tín của tôi là lòng sùng kính Thánh Tâm phù hợp hơn bao giờ hết với những mong đợi của thời đại chúng ta. Tôi đã nhấn mạnh rằng, những yếu tố căn bản của lòng sùng kính này thuộc về linh đạo của Hội Thánh suốt dòng lịch sử của mình một cách ổn định.” (Diễn văn với Dòng Thừa Sai Thánh Tâm, 5-10-1987). Qua biểu hiệu Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta trước tiên nhớ đến tình yêu vô cùng của Người dành cho từng linh hồn. Vì vậy, lòng sùng kính Thánh Tâm – theo lời Đức Gioan Phaolô II đã nói trong giáo huấn về mầu nhiệm đầy ủi an này – phát xuất từ những nguyên tắc của Giáo lý Kitô giáo. Qua đó chúng ta thấy rằng: Giáo hội Công Giáo đã minh định việc sùng kính cách đặc biệt Thánh Tâm Chúa Giêsu, và việc tôn thờ này như là một trong những điều nòng cốt của đức tin Công giáo. Bởi trong việc sùng kính Thánh Tâm, đức tin Kitô giáo vẫn giữ được tính nguyên tuyền của nó, vì việc sùng kính này dẫn đưa con người tới Chúa Ba Ngôi nhờ sự kết hợp với Trái Tim của Chúa Kitô. Việc tôn thờ này chính yếu hướng đến một Tình Yêu của mọi tình yêu – Tình Yêu chịu đóng đinh và chết cho người mình yêu. Ngoài ra, việc tôn thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng kêu mời chúng ta bắt chước Người trong sự tín thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa và rộng rãi trao ban tình thương cho hết thảy mọi người. Việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu phải là thành phần trọng tâm của Phụng vụ trong Giáo Hội, và nhờ việc tôn sùng này, những vấn nạn gay go của thời đại hiện tại cũng như tương lai mới có lời giải đáp một cách hữu hiệu. Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa sẽ mang lại ánh sáng đức tin cho mọi Kitô hữu và là nền tảng vững vàng cho đời sống luân lý khách quan trong thời đại đầy thực dụng và chủ trương tương đối hóa các giá trị và chân lý nền tảng hôm nay. Ngoài ra, nhờ việc tôn sùng Thánh Tâm, lòng mỗi người Kitô hữu sẽ được bừng cháy ngọn lửa của tình yêu để yêu Chúa và yêu người hơn. Gia Ân (Tài liệu lấy từ nguồn Internet
|