Tính Giáo Hội và Cộng Đoàn

Trong    LỐI SỐNG THÁNH THỂ

 

Bất cứ người Kitô hữu nào cũng được mời gọi sống cộng đoàn. Trước hết nó là bản chất của con người, vì con người được dựng nên là để sống tình liên đới với nhau, hơn nữa chính Thiên Chúa nơi Đức Giêsu – Đấng đã mặc lấy thân xác loài người nhiều lần mời gọi mỗi người chúng ta sống tính cộng đoàn thể hiện trong yêu thương và sự hiệp thông.

Trong ba năm công khai rao giảng, Đức Giêsu đã mời gọi rất nhiều người đi theo Người và rất thường Người tháp nhập họ vào một nhóm người. Chung quanh Đức Giêsu, ta thấy có các nhóm môn đệ: nhóm thứ nhất được gọi là “nhóm thân thiết nhất”, rất gần gũi với Chúa, gồm có Phêrô, Giacobê và Gioan. Ba người này thường có mặt vào những biến cố quan trọng như lúc Chúa hiển dung (x.Mt 17,1), tại Vườn Dầu (x.Mt 26,37), tiệc ly (x.Ga 13,23-24). Nhóm thứ hai vẫn thường được gọi cách chung chung là “nhóm Mười Hai” (x.Mt 8,23; 20,24). Nhóm này là nhân chứng và là kiểu mẫu cho đời sống cộng đoàn. Rồi có cả “nhóm phụ nữ” (x.Lc 8,1-2; x.Lc 23,49; x.Mc 15,40-41; x.Ga 19,25). Nhóm này cũng đi theo Chúa và dùng của cải mình để giúp đỡ thầy trò. Họ cũng giữ vai trò loan báo Tin Mừng phục sinh. Ngoài ra cũng có “nhóm bảy mươi hai” (x.Lc 10,1), là nhóm các môn đệ của Chúa. Cuối cùng là đám đông theo Chúa (x.Mt 4,25; 8,1; 12,15), họ là những người từng mang ơn Chúa hay hâm mộ Chúa. Tất cả những nhóm này đều trải qua cơn thử thách là chính cái chết của Chúa. Trong số họ có những người mất hết hy vọng (x.Lc 24,13), có người thì lo sợ, bỏ trốn (x.Ga 20,19), có nhóm thì tin vào Đức Giêsu phục sinh (x.Lc 24,33-35) và trở thành cộng đoàn vượt qua mới  là Giáo Hội.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong thông điệp Ecclesia de Eucharistia đã xác nhận rằng: “Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện cứu độ của Chúa Giêsu trong cộng đoàn tín hữu và lương thực thiêng liêng cho cộng đoàn này, là những gì quý giá nhất mà Giáo Hội có thể có được trong cuộc lữ hành theo dòng thời gian. Điều đó giải thích tại sao Giáo Hội luôn ân cần chú tâm đến mầu nhiệm Thánh Thể, một sự chú tâm chính thức thấy rõ trong công trình của các Công đồng và của các Đức Giáo Hoàng” Như vậy, tính cộng đoàn là cách thể hiện lối sống Thánh Thể, hay nói cách khác lối sống Thánh Thể luôn mang đậm tính cộng đoàn và Giáo Hội được thể hiện qua các chiều kích sau:

1/ Thứ nhất, cộng đoàn Kitô luôn được mời gọi quy chiếu về Chúa Kitô, được xây dựng bởi Người, nương tựa vào Người và sống giới răn tình yêu của Người. Điều mong muốn cuối cùng của Đức Giêsu nơi người môn đệ là mong họ hiệp nhất nên một (Mt 17,20-21). Thế nhưng tình trạng chia rẽ đã xảy ra trong lòng Giáo Hội ngay từ thời Giáo Hội sơ khai. Tại sao lại có tình trạng chia rẽ như thế? Chúng ta có thể dễ dàng trả lời rằng đó là vì do thiếu tình yêu và niềm tin vào mầu nhiệm Thánh Thể, tức là mầu nhiệm về sự hiện diện của Đức Giêsu. Trước khi về trời, Đức Giêsu đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Điều này cho thấy Đức Giêsu luôn hiện diện trong cộng đoàn cầu nguyện hội họp nhân danh Chúa: ngang qua Lời Chúa, nơi những người nghèo khổ đau yếu và tù đày (Mt 25,31-46) và nhất là sự hiện diện của Chúa cách thực sự nơi hai hình Bánh và Rượu của Thánh Thể (SGLHTCG, số 1373). Thánh Thể là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người. Khi cùng ăn một tấm bánh và cùng uống một chén rượu là thân mình và máu thánh của Đức Giêsu, tất cả nên một với Người, và qua đó chúng ta được hiệp nhất với nhau (Ep 2,19-22). Điều này cũng đúng như cách nói của Giáo Hội: Đức Kitô là đầu của thân thể mầu nhiệm là Giáo Hội, mà trong đó mỗi một thành viên con cái mình là một chi thể của Giáo Hội.

2/ Thứ hai, cộng đoàn Kitô cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa, ca tụng Người và những việc Người đã làm trong lịch sử Israel, trong lịch sử của Chúa Giêsu, trong lịch sử Giáo Hội và tiếp tục trong lịch sử của từng người. Huấn thị Mầu Nhiệm Thánh Thể số 63 khuyến khích tất cả các cộng đoàn Kitô hữu: “trong những nhà thờ hay nhà nguyện bình thường có lưu giữ Thánh Thể, nên đặt Mình Thánh Chúa cách long trọng mỗi năm, kéo dài một thời gian nào đó, để cộng đoàn địa phương có thể suy niệm và tôn thờ mầu nhiệm này một cách thư thái hơn.” Như thế, khi Thánh Thể được cử hành trong tinh thần huynh đệ, một thời gian thờ phượng chung của cộng đoàn có thể tăng cường sự hiệp nhất của mọi phần tử của cộng đoàn. Khi chiêm ngắm Đức Giêsu nơi Thánh Thể, cộng đoàn cùng nhau nội tâm hóa cuộc vượt qua, chiêm ngắm trong tâm hồn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, tạ ơn vì những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, đón nhận tất cả năng lực, tất cả sức năng động của một Thiên Chúa hiến mình cho nhân loại, củng cố lòng tin, lòng cậy và lòng mến cho cộng đoàn. Nếu việc cử hành Thánh Thể mang một chiều kích cộng đồng, thì việc thờ phượng cũng mang tính cộng đồng cũng vậy. Bắt nguồn từ việc cử hành Thánh Thể, việc thờ phượng cũng bao hàm một chiều kích cộng đoàn, có ưu thế trên một hành động thuần tuý cá nhân. Chúng ta không thờ phượng Thánh Thể một mình vì chúng ta không cử hành Thánh Thể một mình. Và cho dù có ai ở một mình trước Thánh Thể, thì họ vẫn phải luôn hiệp thông với Giáo Hội.

3/ Thứ ba, cộng đoàn không phải là tập hợp nhiều người như những cá thể riêng biệt nhưng là hiệp thông giữa các ngôi vị: giữa từng người cá vị với Thiên Chúa và giữa mọi người với nhau. Sự hiệp thông trong ngôi vị muốn nói đến tình thân ái, sự liên đới bền chặt như thể tuy là nhiều người nhưng họ trở thành một lòng một ý. Sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em luôn đi đôi với nhau, như thể đó là hai mặt của một tờ giấy. Sự hiệp thông không phải là cào bằng, không phải là ai cũng giống như ai, một kiểu giống nhau đơn điệu như các sản phẩm được sản xuất. Mỗi người là một ngôi vị độc lập, một cá thể riêng biệt với những điểm đặc trưng riêng và bất khả thay thế, nhưng họ không sống như một ốc đảo cô độc. Cộng đoàn khác với một tập thể đơn thuần. Trong một tập thể đơn thuần, con người gặp nhau nhưng không ở lại với nhau. Còn tương quan trong cộng đoàn hình thành không theo một mục đích ngoại tại, nhưng hướng đến ngôi vị như một giá trị căn bản. Có thể nói thế này, cộng đoàn không phải là một tháp Babel, nơi người ta chỉ nói một ngôn ngữ, nhưng cộng đoàn chính là hình ảnh của Lễ Ngũ Tuần, nơi Thánh Thần diễn tả sự phong phú của Thiên Chúa, giúp người ta dù có nhiều tiếng nói mà vẫn hiểu được nhau.

Thánh Thể là trung tâm điểm quy tụ mọi thành phần của cộng đoàn về một tình yêu và một đức tin vào một Chúa. Sở dĩ cộng đoàn có thể trở nên tuyệt vời như thế là vì nó không phải là sáng kiến cá nhân của ai đó, nhưng là công trình của Thiên Chúa, xuất phát từ lời kêu gọi của Ngài và hành vi quy tụ của Ngài. Nơi Thánh Thể, mỗi người tìm thấy được điểm chung nơi người anh chị em của mình. Trong cộng đoàn, mọi con mắt, mọi hành động và mọi khác biệt đều quy về trung tâm điểm là Thánh Thể, để từ đó, mọi người cùng chia sẻ một tấm bánh, cùng uống một chén rượu, cùng hướng về một Chúa là Cha của hết mọi người.

4/ Cuối cùng, việc thành lập, duy trì và thăng tiến cộng đoàn là công trình của Thánh Thần với sự cộng tác của chúng ta. Quả vậy, sự hiệp nhất và sức sống của cộng đoàn là ơn sủng của Thánh Thần. Việc “chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32) là đặc điểm của cộng đoàn Giêrusalem sơ khai, được Giáo Hội hiểu như một dấu chỉ ơn sủng của Thánh Thần. Chính Thánh Thần đã hiệp nhất và khai mở mùa hồng ân, ban tự do và đặc sủng cho tất cả mọi người trong cộng đoàn, không chỉ giữa các tông đồ nhưng còn có cả các tín hữu khác nữa (Cv 12-14). Họ bắt đầu sống một lối sống mới, tất cả cùng một lòng một ý với nhau (Cv 4,32), chia sẻ với nhau những gì mình có và giúp đỡ những ai túng thiếu theo khả năng của mình (Cv 2,44-45). Họ cùng nhau lắng nghe Lời, cùng cầu nguyện, sống thân ái, cử hành bữa tiệc của Chúa (x.Cv 2,42). Đây là một cộng đoàn lý tưởng, là mẫu mực cho các cộng đoàn dòng tu, nhưng tự bản thân nó không phải là dòng tu.

Vào ngày bế mạc tuần lễ Hiệp Nhất trong Hội Thánh Đức Kitô, thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII đã công bố tại vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành rằng Ngài có ý định triệu tập một công đồng chung: “Chúng ta hãy hiệp nhất với nhau và chúng ta hãy chấm dứt mọi bất hòa”. Đó là bối cảnh và là khởi điểm của một công đồng mới: Công Đồng Vaticanô II, công đồng của sự “Hiệp Nhất”. Cộng đoàn sẽ mất đi ý nghĩa và sức sống của nó khi quên đi đặc tính thiêng liêng này. Nhìn đến sự phong phú của cộng đoàn, ta sẽ thấy ngay bàn tay hoạt động của Thiên Chúa. Nếu không được kín múc từ tình yêu và nguồn sức sống nơi Thánh Thể và  nhờ ơn Thánh Thần thêm sức, ta sẽ chẳng thể nào chịu đựng được những con người rất khác biệt đối với ta, nếu không muốn nói là đối nghịch hoàn toàn, chỉ toàn mang đến cho ta những mệt mỏi mà thôi.

 

 Tùy Phong,sss

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập