NHỮNG NÉT CĂN BẢN

TRONG LINH ĐẠO Ê-MA

       “Không thể coi đời sống hoàn toàn chiêm niệm là đời sống Thánh Thể trọn vẹn được, vì lò lửa cần phải có lửa”. Cha Êma viết như vậy vào năm 1861. Là một kẻ tôn thờ, ngài cũng là một tông đồ nhiệt thành của Thánh Thể và ngài đã vạch ra những đường lối để làm tôn vinh mầu nhiệm này. Những nét căn bản trong linh đạo của ngài có thể tóm lược trong mấy điểm chính sau:


1- Canh tân đời sống Kitô hữu:

Nhiệm vụ này không nguyên chỉ nhắm vào công cuộc khắc phục tình  trạng  thiếu  hiểu  biết hay thờ ơ lãnh đạm đối với đời sống đức tin, mà còn nhắm vào công cuộc phục hồi những yếu tố cốt yếu của đời sống kitô hữu bị vùi lấp dưới hàng ngàn hàng vạn việc đạo đức hình thức và trống rỗng nữa. Trong bản thảo đầu tiên của Thủ Bản Huynh  Đoàn  Thánh  Thể, ngài đưa ra nguyên tắc: “Con người là tình yêu giống hình ảnh Thiên Chúa. Vậy cũng giống như con người là tình yêu thế nào, thì con người cũng phải là sự sống như vậy”. Rồi ngài giải thích:  “Mọi  tình  yêu  đều có khởi điểm, trung điểm và cùng đích”. Từ nguyên tắc này, ngài rút ra yếu tố căn bản cho sự lớn mạnh của đời sống thiêng liêng: “Để tâm hồn sốt mến được lớn mạnh hơn trong đời sống của Đức Giêsu Kitô, điều quan trọng trước hết là tâm hồn ấy phải được nuôi dưỡng bằng chân lý thần linh và thiện hảo của tình yêu Chúa, nhờ vậy, tâm hồn ấy mới có thể tấn tới từ ánh sáng đến tình yêu, rồi từ tình yêu đến nhân đức”.

2- Bí tích tình yêu:

Các dòng tu do cha Êma sáng lập đều được kêu gọi để sống theo tình yêu và bí tích của tình yêu là Thánh Thể, nghĩa là Thánh Thể là dấu chỉ bề ngoài của tình yêu Thiên Chúa. Ngài viết trong hiến pháp: “Vì thế, đối với mọi tu sỹ của chúng ta, tình yêu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể phải là qui luật tối cao, là đối tượng của lòng nhiệt thành và là dấu chỉ đặc biệt của sự thánh thiện”.

Cùng một chiều hướng đó, ngài quan niệm Huynh Đoàn Thánh Thể là một nhóm giáo dân phối hợp việc chầu Thánh Thể và dấn thân hoạt động tông đồ.  Đôi  khi  vì nhấn mạnh đến mục đích tiến tới sâu xa hơn trong đời sống Thánh Thể, nên dường như ngài có ý định qui tụ một số thành viên của Huynh Đoàn Thánh Thể để làm thành cộng đồng, tương tự như một gia đình ở giữa thế giới, với hình thức như Phòng Tiệc Ly nhỏ của cộng đồng tu sỹ.

3- Nước Thánh Thể:

Lý tưởng cha Êma ủy thác cho các con thiêng liêng của ngài là “làm cho khắp bốn phương cháy lên ngọn lửa tình yêu Thánh Thể”. Đó là ý nghĩa của cụm từ “Nước Thánh Thể”. Thành ngữ này được cha Êma sử dụng thường xuyên trong các tác phẩm của ngài. Trong một bài báo tựa đề là “Kỷ nguyên Thánh Thể” được đăng trên báo Lơ Tré Xanh Xa-crơ-măng (Le Très Saint Sacrament) do chính ngài sáng lập, ngài viết: “Tệ hại lớn lao nhất của thời đại chúng ta là người ta không đến với Chúa Giêsu Kitô là chính Đấng Cứu Độ và là Thiên Chúa. Họ từ bỏ nền tảng duy nhất, giới luật duy nhất, nguồn Ơn Cứu Độ duy nhất... Vậy phải làm gì? Chúng ta phải trở về nguồn sống, đó không nguyên chỉ là Chúa Giêsu lịch sử, hay Chúa Giêsu vinh hiển trên trời, nhưng đặc biệt là Chúa Giêsu trong Thánh Thể. Phải đưa Người ra khỏi bóng tối để một lần nữa Người có thể chiếm địa vị thủ lãnh của  xã  hội Kitô giáo... Nguyện cho Nước Thánh Thể được rộng lan... Adveniat Regnum tuum”.

Flavio Fumagalli, SSS

Chuyển ngữ: Dominic Thuần,SSS 

 

 

 THÁNH THỂ - BÍ TÍCH SỰ SỐNG

 

 

Thánh Thể là chính sự sống của con người. Thánh Thể là trung tâm cho cuộc sống của ta. Tất cả mọi người, bất phân biệt chủng tộc hoặc tiếng nói, tất cả đều có thể đến cử hành các ngày lễ của Hội Thánh. Thánh Thể ban cho ta luật sống, đó là luật bác ái, nguồn mạch của sự sống. Vì thế, Thánh Thể tạo nên mối giây ràng buộc ta với nhau, đó là mối tình huyết nhục thiêng liêng. Tất cả đều ăn cùng một bánh, tất cả đều là khách đồng bàn của Chúa Giêsu Kitô. Một cách siêu nhiên, Người đã cho họ cảm nghiệm được tình liên đới với nhau. Hãy đọc sách Công Vụ Các Tông Đồ, trong đó chúng ta sẽ thấy, toàn thể cộng đồng các tín hữu sơ khai gồm những người Do Thái trở lại và những người dân ngoại đã được rửa tội, họ thuộc nhiều địa phương khác nhau, nhưng tất cả đã “đồng một lòng một ý” (Cv.4:32). Tại sao? Vì “họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy... siêng năng tham dự lễ bẻ bánh” (Cv.2:42). Quả thực, Thánh Thể là chính sự sống của các tâm hồn và của xã hội, cũng như mặt trời là nguồn sống của thể xác và trái đất. Không có mặt trời, trái đất sẽ khô cằn. Chính mặt trời làm cho trái đất được phì nhiêu, tươi tốt và phong phú. Chính vì những hiệu quả kỳ diệu này mà không gì đáng ngạc nhiên khi dân ngoại thờ mặt trời như vị thần của thế giới. Tuy nhiên, mặt trời này cũng phải tuân phục Mặt Trời tối cao là Ngôi Lời Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Đấng soi sáng cho mọi người đến trong trần gian và cũng chính Người, nhờ Thánh Thể, bí tích của sự sống, tác động nơi đáy tâm hồn con người để biến người ta thành những gia đình và dân tộc Kitô hữu. Ôi hạnh phúc thay! Hạnh phúc biết bao, tâm hồn nào khám phá được Kho Tàng vô giá này, tâm hồn nào đến uống nơi Mạch Nước Hằng Sống này, tâm hồn nào thường xuyên ăn Bánh Trường Sinh này!

Xã hội Kitô giáo cũng là một gia đình. Mối  giây  liên  kết  giữa các phần tử của gia đình này là chính Chúa Giêsu Kitô. Người là Gia Trưởng đã cử hành mối hiệp thông thân ái tại Bữa Ăn Tối; Người đã gọi các tông đồ của Người là “Các con nhỏ của Ta”, và đã truyền cho họ phải thương yêu nhau như Người đã yêu thương họ.  

   Tại bàn tiệc thánh, tất cả đều là con cái, đều lãnh nhận cùng một của ăn mà từ đó Thánh Phaolô đã rút ra kết luận: “Chúng ta được liên kết thành một gia đình, một thân xác, vì tất cả chúng ta đều được tham dự vào cùng một Bánh là Chúa Giêsu Kitô” (1Cor.10:16-17).

   Sau hết, Thánh Thể đem lại cho xã hội Kitô giáo sức mạnh để tuân giữ luật tôn trọng lẫn nhau và bác ái đối với nhau. Chúa Giêsu muốn mọi người phải tôn trọng và yêu thương nhau. Chính vì thế Người đã đồng hóa mình với họ: “Những gì các ngươi làm cho một trong những anh em nhỏ bé nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho Ta vậy” (Mt.25:40), và Người đã ban chính mình cho mỗi người chúng ta qua Hiệp Lễ.

 

Thánh Ê-ma

(Bản văn của cha thánh mà Giáo Hội dùng trong Phụng Vụ Kinh Sách lễ kính thánh Eymard)

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập