ĐỨC MARIA

VÀ TÂM TÌNH XIN VÂNG THÁNH Ý THIÊN CHÚA

 

Mẹ Maria là mẫu gương đời sống đức tin cho mọi người tín hữu bởi thái độ xin vâng trong yêu mến và phó thác. Xin vâng là điều không phải lúc nào cũng dễ dàng thực hiện, xin vâng trong yêu mến và phó thác lại đòi buộc phải có thái độ xin vâng với trọn lý trí và con tim. Thật không dễ để thốt lên như Mẹ Maria rằng: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38) Khác với bà Evà – tổ tông loài người, chúng ta có thể nhận thấy lời xin vâng của Đức Mẹ trong biến cố Truyền Tin : Mẹ luôn tín thác vào Lời Chúa, chứ không nghi ngờ, vốn là nọc độc của Ma Quỉ. Trình thuật truyền tin nói cho chúng ta sự tín thác tuyệt đối của Mẹ.

Lời xin vâng của Mẹ được thốt ra trong một thời điểm của cuộc sống, nhưng đã được Mẹ sống đến cùng và ngang qua rất nhiều khó khăn thử thách.

Chúng ta thấy gì? Đức Maria dẫu là Mẹ Thiên Chúa, nhưng Mẹ cũng phải đi con đường đức tin như mọi tín hữu khác. Mẹ đã phải đối diện với biết bao thử thách và đón nhận biết bao nhiêu khó khăn: bị từ chối khi tìm một nơi trú ngụ, phải sinh con trong một nơi dành cho chiên bò. Khi sinh con xong, thánh Giuse và Mẹ đã phải đưa con trốn chạy trước sự lùng sục độc ác của vua Hêrôđê. Một cuộc trốn chạy đầy chông gai và thử thách qua Ai Cập. Mẹ đã bị lạc con và đã phải rong ruổi tìm con với biết bao nỗi âu lo. Và cuối cùng Mẹ đau đớn đứng dưới chân thánh giá của con mình. Sự kiện Mẹ có mặt và đứng vững dưới chân thập giá, điều này đủ để chúng ta nhận ra rằng lời xin vâng của Mẹ đã phải trải qua biết bao thăng trầm, nhưng Mẹ đã sống đến cùng trong sự tín thác tuyệt đối nơi tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa.

  • Qua lời xin vâng của Mẹ, Mẹ đã trở nên công cụ tình yêu thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Lời xin vâng ấy đã đưa Mẹ vào vị trí của một nữ tỳ phục vụ Thiên Chúa, phục vụ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Thật vậy, qua lời xin vâng, Thiên Chúa mới có thể đi vào thế giới này để nói và để thực thi lòng thương xót.
  • Qua lời xin vâng, Mẹ Maria đã trở nên một Evà mới. Trong khi Evà đầu tiên vì sự bất tuân đã đưa lại cho thế giới này biết bao khổ đau, thì qua lời xin vâng của mình, Evà mới là đại diện của nhân loại đã tháo cởi được nút rối mà Evà cũ đã gây ra. Mẹ Maria – Evà mới đã trở nên người Mẹ của kẻ sống.
  • Qua lời xin vâng của mình, Đức Maria đã trở nên một nữ tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, một trinh nữ đã cưu mang Đấng Cứu Thế, Đấng là nguồn suối thương xót. Và Mẹ đã sinh ra, nuôi nấng chăm nom Đấng Cứu Thế, vị Mục Tử nhân hậu.

Quả thực Đức Maria là người duy nhất chứng kiến về biển tình thương xót của Thiên Chúa qua từng chặng đường thương khó. Mẹ vượt xa trên các thụ tạo khác trong liên hệ với định mệnh con người cả về công nghiệp, thống khổ và vinh quang. Khi Mẹ nói lời xin vâng với Thiên Chúa qua sứ thần Gabriel, Mẹ đã sẵn sàng đi vào con đường mà Thiên Chúa đã chuẩn bị cho Mẹ. Sự hiện diện và đau khổ tột cùng của Mẹ dưới chân thập giá, một đàng diễn tả tình Mẹ dành cho Chúa Giêsu đang bị những kẻ ác nhân kết liễu cách hãi hùng, đàng khác diễn tả sự quyết tâm sống lời xin vâng của Mẹ. Sự hiện diện của Mẹ dưới chân Thánh Giá cũng cho thấy Mẹ quyết tâm chia sẻ trọn vẹn sứ mạng và hy lễ cứu độ của Con Mẹ. Mẹ muốn tham dự vào tận đáy sâu thẳm những thống khổ mà Chúa Giêsu phải chịu vì yêu thương nhân loại.

Trong Phúc Âm thứ tư, thánh sử Gioan còn diễn tả một hình ảnh thật xúc động: Từ trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trăn trối Mẹ mình cho Gioan, người môn đệ mà Chúa thương yêu, và trăn trối Gioan cho Mẹ mình, người nữ tỳ hèn mọn của Thiên Chúa. Dưới chân thánh giá, Mẹ đón nhận toàn thể nhân loại vào tâm hồn Mẹ qua lời trao gởi của Chúa Giêsu: “Thưa Bà, đó là con Bà. Đức Giêsu muốn Mẹ đón nhận thánh Gioan là người môn đệ Chúa yêu thương trở thành đứa con của Mẹ. Hay nghĩ cách trọn vẹn hơn, đó là Chúa muốn đem cả nhân loại này về với người Mẹ luôn yêu thương chăm sóc mình. Vào giây đầu tiên của biến cố nhập thể, thiếu nữ thành Nadarét đã trở thành Mẹ Thiên Chúa, thì trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu, Mẹ trở thành Mẹ của những người tin, Mẹ Giáo Hội, Mẹ của nhân loại, người Mẹ luôn thương xót con cái của mình.

Qua lời trăn chối này, Chúa Giêsu cũng đã đặt nền tảng cho việc yêu mến Mẹ Maria trong lòng Giáo Hội, trong lòng mỗi tín hữu. Thật vậy, tín hữu nào đón nhận Mẹ Maria vào nhà mình, vào tâm hồn sâu kín như Gioan, sẽ không trở thành kẻ cuồng tín hay khờ khạo, nhưng họ trở nên những tín hữu với tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ, biết vâng nghe theo thánh ý Thiên Chúa. Họ sẽ trở nên người con thơ thảo của Thiên Chúa tràn đầy niềm vui, khi biết tôn kính và yêu mến Mẹ Maria như hiền mẫu của mình.

Cuộc sống hiện đại cung cấp cho con người nhiều phương tiện để điều khiển mọi thứ, từ những thành phần nhỏ nhặt như môi trường sống, công ăn việc làm, bản thân cho đến những hoài bão lớn lao làm thay đổi thế giới. Khả năng điền khiển gắn liền với quyền lực và sức mạnh. Vì thế, thái độ xin vâng trở nên điều xa lạ với nhiều người trong xa hội hiện đại, vì xin vâng luôn bị cho là thụ động và hay bị coi là yếu kém. Hơn nữa, xin vâng đồng nghĩa với từ bỏ, đồng nghĩa với việc đi ngược lại những dự định của mình.

Rất nhiều khi ý định của Chúa thật lạ lùng, ngộ nghĩnh đến độ khó hiểu, khó chấp nhận và thậm chí dường như không thể thực hiện. Nếu không thực sự gắn kết thân mật với Chúa qua cầu nguyện, rất khó để nhận ra và sẵn lòng thực thi thánh ý Chúa. Xin vâng có thể phải đánh đổi cả cuộc đời. Để xin vâng ý Chúa trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, có lẽ cần một tình yêu thâm sâu với Chúa. Đức Maria, mẫu gương cầu nguyện xin vâng, xin cho mỗi người chúng ta cũng học theo gương Mẹ biết mở lòng ra với những thánh ý của Chúa, để vâng theo ý Chúa trong yêu mến, tin tưởng và phó thác.


                                                   Tịnh Lam,sss 


Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập