Canh tân việc gặp gỡ Chúa

 

Thái độ thờ ơ, hờ hững dường như cũng là thái độ của nhiều Kitô hữu trong tương quan với Chúa. Chúng ta chỉ muốn Thiên Chúa làm mọi điều tốt đẹp cho chúng ta mà thôi. Những giờ cầu nguyện thường chỉ để Chúa hãy hiểu cho nỗi lòng của mình, chưa bao giờ chúng ta chịu mở rộng con tim để tìm ý Chúa và hiểu cho nỗi lòng của Thiên Chúa.

Có tới ba lần Giêsu mặc khải cho các ông biết về con đường khổ giá mà Ngài sẽ đi qua. Các môn đệ chẳng những không quan tâm, tệ hại hơn các ông còn quay ra đấu đá tranh giành nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm, họ chỉ lo tìm kiếm chức tước và địa vị cho riêng mình. Bởi chẳng bao giờ chịu lắng nghe tiếng Chúa trong cõi sâu tâm hồn, nên con tim chúng ta cứ mãi ích kỷ, khiến ta cứ trách Chúa và đôi khi còn hậm hực với Chúa.

 Với 40 ngày Mùa Chay, Hội Thánh đưa các tín hữu vào nơi thanh vắng để thấy mỗi người đang ở đâu trong tương quan với Chúa. Rút vào nơi vắng vẻ, xa cách cảnh náo nhiệt, ồn ào gây lo ra chia trí, gác lại công việc bề bộn để gặp gỡ Chúa. Không gì thích hợp và ý nghĩa hơn khi hiện diện thinh lặng trước Thánh Thể. Chúng ta cũng cần canh tân việc gặp gỡ này, tức là cảm nhận nỗi lòng của Thiên Chúa, và hạnh phúc khi ở bên Ngài, điều mà các môn đệ đã thất bại khi sống với Đức Giêsu vào “giờ” của Ngài đã tới. Trong bữa tiệc ly,  bên những môn đệ Đức Giêsu yêu mến, nỗi lòng Ngài vốn dĩ chất chứa bao tâm sự ngổn ngang. Nhưng chẳng môn đệ nào thấu tỏ để sẻ chia. Sau bữa ăn, họ đắm chìm trong giấc ngủ, bỏ lại Thầy một mình với nỗi cô đơn buồn đến chết được. Nơi vườn Dầu, Đức Giêsu nghẹn ngào khi Ngài quay lại và chẳng thấy ai có thể thức với mình dù chỉ một phút trong đêm cuối cùng này. Vô tâm trước nỗi niềm của Giêsu, trái tim các môn đệ vẫn cứ khép kín trong những mê muội, sợ hãi và sự dữ.

Tất nhiên 40 ngày chay tịnh, trước hết để nhớ lại 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện trong hoang địa. Nếu Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai rao giảng Tin Mừng bằng việc đi vào sa mạc sống thinh lặng, chay tịnh trong nhiệm hiệp với Chúa Cha, thì đó là Ngài muốn hiểu được nỗi lòng của Chúa Cha và cảm nhận sâu sắc thánh ý nhiệm mầu của Cha trên trời. Chẳng phải là chỉ 40 ngày sa mạc, nhưng xuyên suốt cuộc đời truyền giáo, Đức Giêsu cũng đã nhiều lần, nhiều ngày đi vào nơi thanh vắng lúc sáng tinh sương, khi đêm về để chiêm ngắm cầu nguyện thân tình với Cha, để tường trình mọi việc với Cha.

Việc cảm nhận nỗi lòng của Thiên Chúa trong những lần gặp gỡ bên Thánh Thể sẽ giúp trái tim của Kitô hữu biên đổi. Thật tệ khi một Kitô hữu chỉ biết giữ đạo theo thói quen hoặc chấp nhận dấn thân ở mức vừa phải mà chẳng hiểu điều Thiên Chúa muốn và nỗi lòng Thiên Chúa ra sao. Cũng vậy, một trái tim chỉ biết nghĩ đến mình, chẳng đoái hoài gì đến anh em, là một trái tim bệnh hoạn và thiếu máu. Đời sống đức tin  sẽ sống động hơn biết mấy khi người môn đệ biết mở lòng mình ra để lắng nghe những tâm tư của Chúa. Những chia sẻ của người chung quanh.

Mùa Chay cũng là mùa sám hối trở về với Chúa. Trong tông huấn “Ánh sáng đức tin”, Đức Thánh Cha Phanxicô diễn tả các Bí Tích như là “phương thế chuyên biệt” giúp chúng ta đạt đến sự viên mãn trong việc gặp gỡ Thiên Chúa là Đấng chân thật”. Cuộc gặp gỡ đó chạm đến cốt lõi hữu hiệu nơi chúng ta, khơi dậy lòng trí, ước muốn, tình cảm, mở ra cho chúng ta mối thân tình sống hiệp thông với Ngài.

Bí Tích Hòa Giải là một cuộc gặp gỡ cá nhân giữa chúng ta với Chúa Giêsu, đó  chính là Đấng đã dành cả đời mình để chữa lành và tha thứ mọi tội lỗi. Chúng ta không thể gửi tội lỗi của chúng ta đến với Chúa bằng tin nhắn, bằng Email, hay bằng thư tín chuyển phát nhanh. Nhưng, hối nhân phải gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu, nơi con người của Linh mục. Sự gặp gỡ này bao gồm việc xưng thú tội lỗi, hành vi sám hối, quyết chí sửa mình, và thực hành việc đền tội đã được chỉ dẫn. Có cuộc gặp gỡ nào mang tính thân tình với Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, Đấng tha thứ và chữa lành, hơn là cuộc gặp gỡ này nơi tòa cáo giải? Sự tha thứ là một ưu tiên và là một đặc ân mang tính linh thánh. Nó giải thoát chúng ta, hàm chứa đầy ắp tình yêu, một tình yêu dẫn đến một khởi đầu mới.

Có thể mỗi ngày chúng ta đều gặp gở Chúa đấy thôi: qua thánh lễ, qua Lời Chúa, qua cầu nguyện và chiêm ngắm, nhưng rất có thể những việc đó chỉ dừng lại ở một thói quen đạo đức mà chưa thực sự “gặp gỡ”. Cũng vậy, việc đến với Bí Tích Giao Hòa trong Mùa Chay đôi khi lại là một thói quen có tính “đoàn lũ” hoặc khởi đi từ một động lực tiêu cực, cần canh tân việc làm thiêng liêng này để nơi tòa giải tội thực sự là một cuộc gặp gỡ giữa hối nhân cần được tha thứ và Đấng đầy lòng thương xót. Chớ gì Mùa Chay Thánh giúp chúng ta nhìn lại tương quan này với Chúa, để chúng ta thật sự gặp Ngài trong những giờ linh thánh trước Thánh Thể.

Tùy Phong,sss

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập