|
TIN VUI BÌNH AN TRONG ĐÊM THÁNH
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đó là câu hát chúc tụng mà các thiên sứ cất lên trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Và từ đó cứ mỗi độ giáng sinh về, khi đi giữa những con phố lấp ánh ánh đèn hay nghe một bài hát giáng sinh quen thuộc, dù là người có đạo hay không có đạo trong lòng người vẫn luôn cảm thấy một sự bình an nhè nhẹ nhưng sâu thẳm lạ kỳ. Chẳng hiểu vì sao việc Con Thiên Chúa hạ giới làm người trong đêm lại gợi nhắc chúng ta về sự bình an? Bình an, dường như đó là một mong ước cố tri và sâu thẳm của con người đến độ dường như chúng cứ tự nhiên bộc phát ra mà không cần ý thức. Thế nhưng, bình an của Chúa Giê-su là bình an mà trần thế không thể nào đem đến được: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Bình an của Hài Nhi Giêsu mang lại là bình an đến từ thẳm sâu nơi tâm hồn mỗi người. Bình an ấy là một ơn ban, và chỉ trổ sinh hoa quả cho những ai biết đón nhận. Trong đêm giáng sinh, ta cảm nghiệm được sự bình an và chúng ta cầu mong cho nhau được bình an, bình an chứ không phải là một điều gì khác! Sở dĩ chúng ta mong ước bình an, là bởi vì cuộc sống đã mang đến cho ta quá nhiều nỗi bất an không thể tả. Ta bất an là vì trong đầu ta có quá nhiều thứ: những toan tính, những hoạch định, những ước vọng xa xăm, chưa lúc nào chúng ta khoét rỗng tất cả để sống giây phút thực tại trong sự trọn vẹn của nó. Ta luôn phải vận động, luôn hối hả như một guồng máy, chứ không thanh bình như cảnh tượng hang đá mà ta đang chiêm ngưỡng đây. Vì lo lắng và e dè với cuộc sống cũng như hết những gì nó bày ra trước hiện sinh của ta, nên chúng ta không ngừng tự vấn liệu hiện thực có mang cho ta tất cả những điều kiện mà chúng ta cần để tái thiết cuộc sống không? Trong tình huống cuộc sống đầy những lo toan và bất chắc như vậy, Thiên Chúa đã đi bước liều, Ngài hóa mình thành một kẻ lưu đày, làm con của một đôi vợ chồng bé mọn, sinh trong một đất nước mà quốc thể đã biến thành kiếp nô lệ. Con Thiên Chúa sinh ra trong nghèo hèn, trong chuồng súc vật, bởi cha mẹ Người không được một quán trọ nào chào đón, thánh Phaolô cho chúng ta biết lý do mà vì sao Thiên Chúa chấp nhận cái nghèo đó “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó, vì anh em.” (2 Co 8,9) Cái nghèo tự bản chất cũng không có gì đặc sắc cho lắm và cũng không gây ngạc nhiên nhiều. Những gì mà Mẹ Maria và Thánh Giuse đã phải trải qua ở Bêlem xem ra cũng không làm họ hoang mang quá đỗi. Đúng hơn, họ chấp nhận những điều ấy như cái phần số tự nhiên của hạng dân đen. Tất cả những sự kiện quanh cuộc giáng sinh của Chúa Giêsu đều bé nhỏ: không có gì lạ, tất cả chỉ là những chuyện tầm thường, không cực kỳ nghèo cũng chẳng xa hoa, đến nỗi qua đó ta chẳng gượm thấy dấu chỉ hứa hẹn một cuộc đời vĩ đại. Thế nhưng chấp nhận nghèo “vì anh em” thì cái nghèo ấy có giá trị linh thánh, phương thế nên ơn cứu độ. Đúng là Thiên Chúa chấp nhận một cuộc sinh hạ gần như vô danh, xảy ra tại một chỗ nào đó, bên lề cuộc sống, trong khi xã hội đương thời đang cố công lo lắng bao chuyện khác. Chỉ tội cho mấy chú mục đồng, lấy đó như là một sự kiện hoành tráng lắm, trong khi lịch sử thời ấy chẳng có lấy một lời. Quả đúng đêm Noel, một đêm bình thường như bao đêm khác, nhưng đêm ấy lại trở nên đặc biệt vì có sự chào đời của Hài Nhi Giêsu. Một sự sống mới vừa chào đời xua tan đi hết tất cả những mệt mỏi của dặm trường xa xôi. Nhìn Hài Nhi – Con Trời được bọc khăn nằm trong máng cỏ, Mẹ Maria, Thánh Giuse, các mục đồng, ba nhà chiêm tinh cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì biết rằng mình vẫn còn nằm trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Cụ Simêon đã thoả mãn khi được nhìn thấy Chúa, và xin cho ra đi trong an bình vì cụ Simêon biết là mình đang được yêu, và vì thế, cụ hạnh phúc. Gạt đi hết tất cả những khó khăn đang hiển lộ trước mắt, bỏ qua hết mọi lọc lừa gian dối đảo điên của thế gian… tất cả giờ đây chẳng còn là điều gì to tát nữa. Nhìn Hài Nhi nơi hang đá chúng ta thấy đất trời như kết nối với nhau, từng cọng cỏ cũng hân hoan, từng giọt sương cũng bồi hồi hạnh phúc. Hang đá đơn sơ, máng cỏ hôi tanh… chẳng còn là vấn đề nghiêm trọng nữa. Chúng đã hóa Thiên Đường. Như thế, biến cố Giáng Sinh của Ngôi Hai đã đem đến “bình an cho người Chúa thương”. Sứ điệp giáng sinh đó là tin vui về lòng thương xót của Thiên Chúa mà hoa trái là bình an. Đấng giàu lòng thương xót đến với con người để ban tặng bình an. Sự bình an mà biết bao nhiêu người đang chờ mong và cần tới. Sự bình an này được ban tặng rất âm thầm. Đó cũng là cách diễn tả của lòng thương xót của Thiên Chúa. Inhaxiô thành Antiôcia đã nhận ra điều đó và đã nói rằng: “Chúa Giêsu Kitô đã bước ra từ sự thinh lặng của Cha trên trời.” Thánh Giáo Phụ này hướng đến một đoạn trong sách Khôn Ngoan: “Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang theo bản án không thể huỷ của Ngài như lưỡi gươm sắc bén” (Kn 18, 14-15). Thiên Chúa, Đấng như ở rất xa con người, và Đấng mà chúng ta nghĩ rằng, chỉ có thể tôn vinh Ngài trong thinh lặng, giờ đây lại thức giấc ngay trong đêm đen của thế giới chúng ta, Ngài không đến với tiếng hò la, mà Ngài đến từ trong tĩnh lặng. Hàn Mặc Tử, một nhà thơ Công Giáo, trong bài “Đà Lạt Trăng Mờ”, đã viết: “Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ! Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Thiên Chúa - Đấng giàu lòng thương xót, bước vào thế giới này trong tĩnh lặng, nên chúng ta chỉ có thể cảm nhận được sự bình an khi lắng nghe Thiên Chúa giải nghĩa chữ yêu được toả lan từ hang Bê-lem, khi chúng ta không nói nhiều, không ồn ào, và đi vào thing lặng, nơi đó Đấng giàu lòng thương xót đang chờ đợi chúng ta. Ôi! Silent Night… ôi! đêm huyền diệu…. ôi! đêm bình an.
|