Điều đặc biệt phía sau xe bánh tráng 'Tôi không thể nghe và nói'

- Một tốp sinh viên từ bên trong cổng trường Đại học Sài Gòn trên đường Tôn Đức Thắng (phường Bến Ngh, quận 1, TP.HCM) bước ra ngoài. Họ đi thẳng đến xe bánh tráng nướng đang bày bán trước cổng trường.  

Chị bán hàng nở nụ cười thật tươi. Một người trong nhóm sinh viên chỉ vào những thức ăn bày trên xe rồi đưa 4 ngón tay trước mặt chị. Chị vui vẻ gật đầu rồi lao vào công việc...

Chị lấy chiếc bánh tráng đã phết bơ đặt lên vỉ nướng. Chị trải đều lên đó một muỗng thịt bằm, một nắm tôm khô và một muỗng mỡ hành. Trước khi bật lửa nướng, chị đập 2 quả trứng cút kéo mỏng phủ lên mặt bánh kèm theo một lớp chà bông gà. Lửa đỏ, chị liên tục xoay cho bánh chín đều.

Chị chế biến thật nhanh. Đôi tay chị thoăn thoắt. Chị lấy hết thứ này, bốc qua thứ khác chẳng mấy chốc, 4 chiếc bánh tráng với đầy đủ hương vị đã hoàn thành. Chị gấp đôi những chiếc bánh tráng ấy cho vào bao và trao cho khách. 

Dòng chữ “Tôi không thể nghe và nói” được dán trên tủ kính của xe bánh tráng đã thể hiện đặc điểm của người bán. Tất cả mọi giao dịch mua bán đều bằng tay bởi đôi vợ chồng này, anh Lê Trường Sơn (43 tuổi, Quảng Ngãi) và chị Lê Thị Mộng Thúy (37 tuổi, Đồng Nai), đều là những người khuyết tật khiếm thính. Họ không nghe, không nói được. 

Họ gặp và quen nhau cách đây 6 năm tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật ở Lái Thiêu, Bình Dương. Khi mới cưới, anh Sơn làm công nhân ở công ty sản xuất móc inox, chị Thúy bán trái cây ở chợ. Công việc nặng nhọc khiến bệnh tình của anh chuyển biến xấu buộc anh phải nghỉ việc. Anh chị dắt nhau về TP.HCM thuê nhà trọ ở Bình Thạnh rồi tìm kế sinh nhai.

Cuộc sống ở thành phố ban đầu khó khăn vì anh chị không có công việc ổn định. Một dịp tình cờ lên mạng, anh Sơn đã học được nghề bánh tráng nướng. Anh mua nguyên liệu về nhà chế biến nhưng không thành công. Không nản chí, anh tiếp tục mày mò cuối cùng anh tìm được bí quyết để có thể làm được bánh tráng ngon. Anh chị tự tin mở một xe bánh tráng nướng.

Anh Sơn chia sẻ: “Trước kia chúng tôi được một người chủ tốt bụng trong hẻm 304 Bùi Đình Túy, Bình Thạnh cho mượn mặt bằng để bán với yêu cầu sau khi bán xong phải dọn dẹp sạch sẽ. Bán được một thời gian anh chị chuyển đến bán trước Đại học Sài Gòn”. 

Bánh tráng của anh chị cũng không có gì đặc biệt so với những nơi khác, cũng chỉ là bánh tráng bên trong với nhân thịt bằm, tôm khô, hành lá và trứng cút nhưng khách hàng là những sinh viên đứng vây kín xe bánh tráng, chị phải luôn tay làm mới kịp cho khách.

Ngoài loại bánh từ truyền thống nhân thịt bằm, anh chị còn bán nhiều loại bánh tráng khác như bánh tráng khô bò, khô mực, thập cẩm… giá mỗi bánh từ 12.000 ngàn đồng đến 20.000 ngàn đồng.

“Bánh tráng nướng của cô chú bán rất ngon, sạch sẽ, giá cả phải chăng hợp túi tiền”; “Ngày nào mình cũng ra đây ăn bánh tráng, một phần vì bánh tráng ngon, một phần vì muốn ủng hộ cô chú” là lời các bạn sinh viên chia sẻ khi được hỏi về bánh tráng của đôi vợ chồng.    Chị Thúy luôn tươi cười với khách


Đến nay anh chị đã có được hai đứa trẻ kháu khỉnh và niềm vui lớn nhất của anh chị đó chính là hai đứa trẻ có thể nghe, nói được bình thường. Con trai lớn của anh chị năm nay lên 5 tuổi tên là Lê Minh Quân, con gái nhỏ mới 2 tuổi tên là Lê Ngọc Hà.


Anh Sơn viết rằng: “Anh lấy tên ca sĩ nổi tiếng đặt cho con mong các con sẽ có giọng hát hay”. Khi ở nhà anh Sơn vẫn thường dạy cho cậu con trai cách múa dấu ký hiệu để có thể trò chuyện với bố mẹ.

Mỗi ngày chị phải thức dậy từ lúc 4 giờ sáng để đi chợ mua nguyên liệu. Sau đó hai vợ chồng anh Sơn đưa con đến trường đi học. Đến 11 giờ anh chị đi bán. Họ luôn cố gắng hết sức không chỉ cho bản thân mà còn cho hai con của mình, với mong muốn chúng không phải thiệt thòi với bạn bè.

Dù anh chị không được hoàn hảo như bao ông bố bà mẹ khác nhưng họ vẫn luôn dành tình thương hoàn hảo nhất cho con. Gia đình của anh chị vẫn luôn tràn ngập niềm vui và đầy ắp tiếng cười trẻ thơ.

Trò chuyện với chị qua trang giấy, chị cho biết: “Thu nhập hàng tháng của chúng tôi không cao nhưng dù sao cũng phải cố gắng trang trải các khoản tiền thuê nhà. Chi phí cho các con đi học và các khoản chi khác, gộp lại khoảng 7 triệu đồng/tháng”.

'Tuổi đời cũng chưa già lắm, chúng tôi đang phấn đấu để có thể mang lại cho các con cuộc sống tốt đẹp, một gia đình hạnh phúc. Chúng tôi cũng có nghĩ đến một ngôi nhà riêng, rồi có lẽ cũng phải đến thôi", anh Sơn tâm sự bằng ngòi bút với chúng tôi.

Cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng anh chị vẫn luôn nở nụ cười trên môi. Chúng tôi vẫn tin, một tương lai tươi sáng sẽ đến với anh chị. Một ngày không xa nào đó, nhờ vào nghị lực của chính mình anh chị sẽ đạt được những ước mơ cháy bỏng.

Quỳnh Bùi

Một phút dừng lại:

Đọc hết câu chuyện kể trên, ai cũng thấy ngậm ngùi, xót xa cho hai nhân vật này! Họ đều là những người “khuyết tật, khiếm thính, không nghe, không nói được!”. Nhưng khi suy nghĩ thêm một chút thì ai cũng nhận thấy trong sự tưởng là bất hạnh đó lại như là không có sự bất hạnh, vì cuộc đời của họ luôn mở ra một cách sống đầy đủ ý nghĩa và trọn vẹn. Vì trong họ vẫn có những ước mơ cháy bỏng, trong họ vẫn tràn đầy niềm tin mãnh liệt, đặc biệt là khi họ nên duyên vợ chồng, để rồi nương tựa vào nhau, cùng chung sức để sống và bước tới.

Với một niềm tin mãnh liệt quyết vượt lên số phận đã không thể cản trở được những mong muốn chính đáng của một con người đã giúp họ đi qua từng giai đoạn khó khăn, vất vả, gian nan... để rồi từng bước tưởng là tình cờ nhưng lại chẳng tình cờ một chút nào khi họ tìm đến việc học nghề giúp họ mở ra một bước đường mới; trên bước đường mới họ luôn gặp những điều may mắn khi có những người sẵn sàng ra tay giúp đỡ, như ông chủ tốt bụng cho mượn mặt bằng để hành nghề, hay các sinh viên của trường đại học Sài gòn khi họ di chuyển đến đây để tìm cách làm ăn, sinh sống...

Dù là một người bất hạnh trăm đường, nhưng không vì thế mà họ chấp nhận đánh mất cái “ tâm ” của mình để tìm cách bù lại trước cái bị thua kém người khác. Họ đã ở giữa mọi người với tất cả tấm lòng của một con người đúng nghĩa, chính vì vậy họ đã chinh phục được nhiều người ủng hộ, hay trợ giúp... khi những người ấy nhận ra tấm lòng tốt của họ giữa cuộc sống hôm nay. Chính vì thế lại càng làm cho công việc của họ được thuận buồn xuôi gió hơn.

Ngoài những sự may mắn ấy, họ còn có một mái ấm với hai người con kháu khỉnh, hiền lành , ngoan ngoãn... mà bất cứ một gia đình nào cũng đều mơ ước.

Vui mừng và cầu nguyện cho họ luôn giữ mãi nét đẹp ấy trong cuộc sống bên cái gọi là bất hạnh mà họ đang phải đối diện, để rồi nhìn về bản thân mình mà tôi phải giật mình!

Đúng thật là như vậy, tôi không có những khiếm khuyết như họ, tôi hơn họ rất nhiều, nhưng mà cách sống của tôi dường như lại thua họ nhiều quá!

Bởi vì đã không ít lần tôi than vắn thở dài mà trách Chúa, trách cha mẹ, trách cả những người thân khi tôi không có được như thế này thế nọ theo như tôi hằng mong muốn, hay là khi cho rằng tại sao tôi lại bị thua kém trước những kẻ chẳng bằng tôi!!!

Trước sự việc đầy tính ghen tỵ, ích kỷ đó... để rồi tôi cố thủ trong cái vỏ ốc kiêu ngạo mà không chấp nhận cái thực tại đầy giới hạn của chính bản thân mình mà nỗ lực, cố gắng vươn lên. Và dĩ nhiên khi có cái nhìn như thế thì làm sao tôi phát huy được cuộc sống làm người, làm con Chúa của tôi được!

Một khi chỉ biết nhìn mình, không biết nhìn đến người khác, nhất là những người có số phận kể trên... thì con tim tôi không mở ra được, thì đôi mắt của tôi không nhìn về phía trước cũng như nhìn lên cao được, và lúc ấy tôi sẽ không bao giờ nhận được ân đức mà tổ tiên để lại cũng như hồng ân mà Thiên Chúa ban tặng cho tôi!

Vì vậy, qua câu chuyện kể trên là một ánh sáng soi chiếu vào tận con tim của tôi để tôi đừng có sống cách tiêu cực nữa, đừng bao giờ bực mình, thất vọng về chính mình, cũng như chỉ biết hướng mắt nhìn về trời cao theo kiểu giống như anh chàng lười nằm há miệng chờ sung rụng!

Trái lại qua câu chuyện kể trên giúp tôi vững tin vào Thiên Chúa, Ngài đã sắp đặt mọi sự trong cuộc sống đầy kỳ diệu này, mà biết đón nhận hồng ân Chúa ban qua từng giây phút, qua các biến cố xảy ra dưới ánh sáng của Lời Chúa và làm cho ơn Chúa ban được nảy nở, phát triển và đơm bông kết trái tốt đẹp.

Nếu ngay bây giờ tôi dũ bỏ mọi sự: ghen tỵ, phân bì, ỷ lại... mà đứng lên bắt tay vào việc, không quản ngại cho dù đó là việc tầm thường, hèn hạ, tôi vui sướng làm với trọn một tình yêu như Đức Giêsu đã thực khi Ngài chịu chết trên thập giá thì có thể nói rằng hạnh phúc mà tôi khao khát, mong muốn đó đang ở ngay bên cạnh tôi.

Thiên Quang sss

 

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập