Thế nào là cầu nguyện cho hòa bình?

Chúng ta đang bắt đầu bước vào năm mới, năm 2018. Nhìn lại một năm vừa qua đi có biết bao sự kiện đã xảy đến làm cho rất nhiều người phải quặn lòng đau đớn, như là bão tố, lũ lụt, sạt lở làm cho nhiều người bất ngờ ra đi, gánh chịu tại họa; như là khủng bố đó đây sát hại nhiều mạng người...

Cho nên, khi bước vào năm mới, mọi người đều cầu mong những sự may lành, hạnh phúc, bình an... Đó là một điều tốt đẹp của một con người, hy vọng những điều mong muốn ấy ở mãi nơi mỗi một con người. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu, điều tiếp theo và thật là quan trọng, đó là việc ta sống những điều mơ ước ấy như thế nào trong cuộc sống không có như là mơ?

Có rất nhiều cung cách sống điều mơ ước ấy. Một trong những cách gần với mỗi một con người, cũng như ai cũng có thể làm được, đó là xin mời bạn đọc câu chuyện sau đây, đồng thời mời bạn suy nghĩ mà cố gắng thể hiện trong cuộc sống với mọi người:

Chưa chồng mà chửa, bị ép khai ra bố của đứa trẻ, cô gái trả lời khiến cả thị trấn sôi sục

Buộc phải khai ra cha đứa trẻ là ai, cô gái đã khiến cả thị trấn xì xào bàn tán. Nhưng đằng sau đó lại là một câu chuyện hết sức nhân văn.

Ở một thị trấn nọ, có cô gái trẻ chưa chồng mà chửa. Bố mẹ cô ép con gái phải khai ra cha của đứa trẻ là ai. Bị bắt ép, cô gái không còn cách nào khác, đành khai rằng đó là một vị cao tăng trong ngôi chùa gần nhà.

Sau khi đứa trẻ ra đời, người nhà cô gái liền bế đứa trẻ đến tìm vị cao tăng kia. Đối diện với việc này, vị cao tăng chỉ nói một câu: "Thế à", rồi lặng lẽ nhận đứa trẻ về nuôi.

Kể từ khi đó, ngày nào vị cao tăng cũng bế đứa bé đến gõ cửa từng nhà để xin sữa. Cả thị trấn biết chuyện, xì xào bàn tán khắp nơi, ai nhìn thấy vị cao tăng cũng đều chỉ chỏ, thậm chí là mắng chửi thẳng mặt.

Về sau, mẹ đứa trẻ vì cảm thấy hối hận nên phải thừa nhận rằng đứa trẻ không phải là con của cao tăng mà là của người khác, không liên quan gì đến vị cao tăng kia. Người nhà cô gái tỏ ra xấu hổ, tìm vị cao tăng xin lỗi và nhận lại cháu. Đến nơi, họ thấy cao tăng gầy rộc, tiều tụy nhưng đứa trẻ thì béo mập, đầy sức sống. Lúc này, trước mặt cao tăng, cô gái mới ngại ngùng nói ra chân tướng sự việc. Vị cao tăng lần này cũng chỉ nói một câu "thế à" rồi trả đứa bé lại cho mẹ của nó.

Bị oan uổng, lại mang tiếng xấu về mình như vậy nhưng tại sao vị cao tăng không hề lên tiếng giải thích?

Trước câu hỏi này, ông đáp: "Người xuất gia chúng tôi đều coi công danh lợi lộc là những vật ngoài thân, bị người khác hiểu lầm với tôi mà nói chẳng vấn đề gì. Tôi có thể hiểu được nỗi khổ của cô gái, có thể cứu rỗi một linh hồn, một sinh mệnh là việc thiện."

Lời bình

Với phần lớn chúng ta, khi bị người khác hiểu lầm, gán ghép những điều sai trái... chúng ta mất rất nhiều thời gian để giải thích, để biện minh... rõ ràng nhưng thực ra lại chẳng có tác dụng, vì lúc này, chẳng có mấy ai sẵn sàng, tình nguyện lắng nghe.

Chúng ta thường dùng cách nghĩ của bản thân để phán đoán mọi việc và trên thực tế, chúng ta cũng rất cố chấp.

Nếu như người ta hiểu bạn, ngay từ đầu người ta đã hiểu và sẽ luôn hiểu cho bạn chứ không phải vì một lần nghe bạn giải thích mà hiểu cho bạn ngay.

Thay vì ra sức giải thích cho người khác, chi bằng cứ lặng lẽ thừa nhận để người khác có thêm một chút thời gian để hiểu mình, dù có hơi nghiệt ngã!

Thời gian và công sức mang đi giải thích cho người khác, hãy dùng để thực hiện những giá trị nhân sinh quan trọng hơn của bản thân.

Có những việc, chúng ta không nên chi li tính toán, hãy cứ mắt nhắm, mắt mở, tất cả rồi sẽ qua. Hãy trân trọng những người xung quanh mình, làm tốt những việc của bản thân, tất cả rồi sẽ trở nên tốt đẹp. Vì vậy:

Gặp người yêu quý mình, hãy học cách cảm ơn.

Gặp người mình yêu quý, hãy học cách cho đi.

Gặp người mình hận, học cách tha thứ.

Gặp người hận mình, học cách xin lỗi.

Gặp người đánh giá cao mình, học cách cảm kích.

Gặp người mình đánh giá cao, học cách tán dương.

Gặp người không hiểu mình, hãy học cách nói chuyện.

Gặp người mình không hiểu, hãy học cách thỉnh giáo.

Có một người hiểu mình, đó là hạnh phúc lớn nhất.

Người đó có thể không hoàn mỹ nhưng anh ta có thể hiểu bạn, có thể chạm tới trái tim bạn, có thể hiểu mọi tâm tư của bạn. Người đó luôn ở bên bạn, lặng lẽ theo dõi bạn, không để bạn phải chịu ấm ức. Người thực sự yêu bạn sẽ không nói lời yêu bạn quá nhiều, nhưng sẽ làm thật nhiều những việc cho thấy tình yêu của người ta dành cho bạn. (Theo Tri Thức Trẻ) 

Đối với chúng ta, những Kitô hữu thì không chỉ làm như thế, mà muốn đạt tới hiệu quả cao hơn nữa... thì chỉ có cách là theo lời Đức Giêsu đã dạy “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, đó là chúng con yêu thương nhau” và yêu thương nhau theo cung cách “Như Thầy đã yêu thương chúng con”. Chỉ có cách này chúng ta mới đóng góp vào nền hòa bình thế giới, mới đem lại hạnh phúc mà mọi người đang khao khát mong chờ. Nhận biết và cố gắng thực hiện cho đến cùng, ta mới mong tiếp tay với sứ điệp Hòa Bình mà Đức Giáo Hoàng mong muốn trong ngày đầu năm mới này “Cởi mở tâm hồn trước những đau khổ của tha nhân, điều này chưa đủ, còn phải làm sao để các anh chị em di dân và tị nạn có thể sống an bình trong một căn nhà an ninh”.

Thiên Quang sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập