Người chứng của Thiên Chúa

Số t.09

Các kitô hữu vẫn hiểu theo lẽ bình thường về “Người chứng của Thiên Chúa” là người hy sinh, sẵn sàng chết vì “Đạo Chúa” như thời kỳ đầu của Giáo Hội tại Rôma hay thời kỳ đầu của Giáo Hội Việt Nam. Thực ra, cách làm chứng này ngày hôm nay vẫn còn, như trong ngày 22/4/2017 vinh danh các “tân tử đạo” của thế kỷ 20 và 21 tại Đền thờ Thánh Báctôlômêo ở Rôma nơi có nhiều thánh tích của các vị tử đạo, Đức Phanxicô đã xúc động nói: “Hôm nay tôi muốn thêm vào đây một hình ảnh: một phụ nữ. Tôi không biết tên của bà. Nhưng từ trên Trời, bà nhìn chúng ta”.

Ngài kể theo trí nhớ cuộc gặp gỡ với chồng của bà, lúc đó đang tị nạn ở đảo Lesbos vào tháng 4/2016: “Khi tôi ở Lesbos, tôi chào các người tị nạn và tôi gặp một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi cùng với ba đứa con, anh nhìn tôi và nói: ‘Trọng kính cha, con là người hồi giáo, vợ con là tín hữu kitô. Trong xứ con, khi quân khủng bố đến, họ nhìn chúng con, họ hỏi chúng con theo đạo nào. Họ nhìn cây thánh giá vợ con mang, họ bắt vợ con vứt xuống đất. Vợ con không nghe lời họ. Họ cắt cổ vợ con trước mặt con. Chúng con yêu nhau rất nhiều’”.

Đức Phanxicô nói tiếp: “Hình tượng này tôi mang đến đây hôm nay như một món quà”. Và ngài cũng vinh danh người chồng của phụ nữ đó: “Người đàn ông đó không hận thù: anh, người hồi giáo, anh đã mang cây thánh giá đau khổ này mà không hận thù. Anh trú vào tình yêu của vợ, bà được ân phước qua sự tử đạo”.

(Marta An Nguyễn dịch)

Ngoài ra, làm chứng cho Thiên Chúa còn có nhiều phương cách khác, như là qua cuộc sống của mình, người tín hữu đã thể hiện niềm tin ấy như thế nào? Thể hiện chân lý mà mình nắm bắt được, giống như câu chuyện cảm động được một giáo sĩ truyền giáo lâu năm bên Nhật ghi lại trong tạp chí "Mater nostra", "Tôi rất bồi hồi cảm kích, mỗi khi nhớ lại lần sau cùng gặp Nakamura, một thiếu nữ Nhật, 18 tuổi, mới vào đạo được 4 năm. Chính tôi hân hạnh được rửa tội cho nàng. Tuy là giáo hữu tân tòng, Nakamura từ ngày vào đạo, hầu như không ngày nào bỏ đi lễ lúc 6 giờ 30 sáng và rước lễ.

Ngày 6 tháng 8 năm 1945, Mỹ thả trái bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima. Cảnh tượng tàn phá thật là khủng khiếp. Đi đâu, cũng gặp chướng ngại vật, nực mùi chiến tranh, chết chóc...

Đã gần 2 tuần, không thấy Nakamura đi lễ, tôi đâm lo... quyết định đi thăm nàng.

Phải khổ sở len lỏi mãi, mới tới được nhà nàng, thì, hỡi ôi, nhà nàng đã sụp đổ tan tành, chỉ còn cái tường cao chừng 2 thước trơ trọi đứng đó...

Tôi thổn thức vòng lại phía sau nhà. Trời ơi, một cái chòi thô sơ, 4 góc là 4 cái cột, chung quanh che bằng chiếu, mành, áo quần rách, trên nóc, mấy tấm tôn kẽm xiêu vẹo.

Tôi bước vào trong. Lạy Chúa, một cái chõng thô sơ, ọp ẹp: Nakamura nằm trên đó, áo xống tả tơi, cháy xém, hai tay hai chân co quắp như một xác chết... Mùi hôi thối bay ra.

Tôi giật mình, khựng lại, không sao nói được một lời. Sau một lát, tôi lấy can đảm gọi tên nàng. Nakamura nhúc nhích, nhưng không sao trở mình được. Nàng bị thương nặng quá! Tôi xắn áo, lau chùi, dọn dẹp một chút, rồi giúp nàng xoay mình lại. Nakamura mở 2 mắt nhìn tôi, tràn ra mấy giọt lệ, cựa quậy tay trái như muốn giơ lên chào tôi mà không giơ lên nổi. Nàng nói thì thầm: “Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?

Tôi xúc động quá sức, xót xa cảm mến, chưa kịp trả lời nàng, thì nước mắt đã trào ra đầy má.

Sau ít phút trao đổi, tôi được biết, đã 14 ngày qua, trừ ra cha nàng, ông cũng bị thương nặng, mỗi ngày đem cho nàng chút ít đồ ăn, nước uống, còn ngoài ra, chẳng ai lo lắng chăm sóc nàng cả. Vậy mà Nakamura không một lời kêu ca than thở, không kêu xin xót thương giúp đỡ. Nàng như quên hết mọi đau đớn, ê chề, chỉ nhỏ nhẹ hỏi: "Cha có đưa Mình Thánh Chúa đến cho con không?"

Tôi nghẹn ngào cảm kích cực độ, nước mắt cứ thi nhau trào ra...

Tôi trở lại nhà, lấy Mình Thánh Chúa. Cho Nakamura rước lễ.

Tôi nán ở lại, lau chùi, dọn dẹp thêm chút "cái biệt thự sang trọng" của nàng... rồi ra về. Hẹn hôm sau sẽ trở lại và đem Mình Thánh Chúa. Nakamura nhỏ nhẹ nói với tôi: “Thời buổi chinh chiến li loạn này, chừng nào mới hết? Đã 4 năm nay, con chuẩn bị vào Dòng. Con muốn tận hiến đời con cho Chúa, muốn phục vụ hết mình những người nghèo khó, bệnh tật. Hiện giờ, con thế này, không biết Chúa sẽ dẫn dắt con về đâu? Dẫu sao, ở đâu, đi về hướng nào, ra sao, Chúa là nguồn sức mạnh, là nguồn hạnh phúc, là tất cả của con..."

Hôm sau, tôi trở lại, mang theo Mình Thánh Chúa, nhưng Nakamura đã về trời với Bạn Chí thánh, không còn trên mặt đất khổ đau này nữa.

Qua đó, tôi tự nhủ: ngoài trường "Thánh Thể" ra, không còn trường nào khác dạy được như vậy!

(Trương Vân Thục, OSB, Truyện Lạ Thánh Thể - Tập I, 1995 - trang 106-109)

Từ những câu chuyện kể trên, chúng ta nhận ra không phải chỉ có hai người đó trong lúc khẩn cấp ấy mới trở thành chứng nhân cho Chúa, mà dấu chứng này đã có từ lâu và được in sâu trong con người, giờ có điều kiện mới bộc lộ ra. Vì nếu không có điều căn bản này thì khi đứng trước hoàn cảnh ngặt nghèo ấy lấy đâu ra được sức mạnh kiên vững mà đi tới chiến thắng vinh quang? Hơn nữa, đâu biết giờ nào, lúc nào, nơi nào… để mà chuẩn bị lòng kiên vững, sự quyết tâm này? Cho nên, để là người chứng đích thực thì ngày nào, việc nào cũng luôn là một chứng nhân.

Vào sáng ngày 25/07 vừa qua, anh chị em trong Hội Dòng Thánh Thể và những người thân quen bất ngờ nhận được tin cha Phêrô Nguyễn Thế Trịnh,sss được Chúa gọi về Nước Trời! Con người của cha cũng có dây dưa với bệnh tật từ lâu, nhưng với thể trạng của cha, hơn 100kg, có ai ngờ lại xảy ra đột xuất như thế! Vì vậy, nếu trong cuộc đời thi hành sứ vụ mục tử, cùng với trọng trách mà Hội Dòng tin tưởng trao phó, cha cứ từ từ cho hết ngày, cha cứ mặc kệ rồi tới đâu thì tới… thì giờ này làm gì cha còn có cơ hội để thể hiện một lòng một dạ theo Chúa, một Chúa Giêsu Thánh Thể. Nhưng nhờ ơn Chúa thương ban trong sự quyết tâm, cha như con kiến, kiên nhẫn bò đi từng ngày, trên mọi nẻo đường, qua hết công việc này đến công việc khác cho dẫu đầy trắc trở, lắm khó khan, gian truân… Có thể có việc cha làm đã đạt thành công, có việc thì còn dang dở, và biết đâu chừng có cả việc gặp thất bại nữa… Nhưng, với những gì cha đã cố gắng bước qua, thì có thể quả quyết là giờ phút này cha không còn phải tiếc nuối, ân hận, vì đã không cố gắng sống thánh ý Chúa từng giờ, từng ngày... Như vậy là Giáo Hội, Hội Dòng lại có thêm một chứng nhân âm thầm, nhỏ bé, nhưng rất có ý nghĩa trước Tôn Nhan Chúa. Cầu mong được là như thế nơi cha Phêrô và nơi mọi người, vì như thánh Eymard đã quả quyết “Bạn có Thánh Thể, bạn còn muốn gì hơn nữa? 

Thiên Quang sss

Tin khác
Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập