ĐÔI DÒNG CHẢY NGƯỢC VỀ NGUỒN

 

Mẹ nghiêng nghiêng bóng tháng năm

Đầu làng tôi, giếng Khiết Tâm dạt dào


Đức thánh giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã dùng hình ảnh ‘giếng nước đầu làng’ để diễn tả các giáo xứ. Còn cha Matthêu Trần Trinh Khiết thì khởi sự thành lập một giáo họ tại vùng đất thuộc quận Thủ Đức này bằng việc xây dựng tượng đài tôn kính Mẹ Vô Nhiễm ngay phía sau cổng vào địa điểm trung tâm của giáo họ ấy.

Vị giáo hoàng thánh lấy giếng đầu làng làm biểu tượng cho sức sống của một giáo xứ trong bối cảnh một thời gian lâu dài trước đây, tại rất nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta, nhất là ngoài Miền Bắc, giếng nước vẫn là mạch sống chung hết sức quan trọng, là điều kiện tồn tại cho cả một cộng đồng làng xã.

Để khai mạch mở nguồn cho cuộc sống đạo của xóm dân đang nhen nhúm và để lấy đà phát triển cho đức tin mai sau, người linh mục chạy đến với Đấng mà Kinh Thánh gọi ẩn dụ là khu vườn cấm, là dòng suối canh phòng nghiêm mật, là giếng nước niêm phong (Dc 4,12).

Ắt hẳn những cách gọi rất hình ảnh ấy muốn nói lên rằng trái tim châu ngọc thanh khiết và cuộc đời trác tuyệt băng trinh của Mẹ đã được để riêng ra, tuyệt đối dành trọn cho một mình Thiên Chúa. Và Thiên Chúa đã đặc tuyển Mẹ, để rồi chuỗi tên gọi trên còn đồng thời được hiểu là từ cung lòng trinh khiết Mẹ, một mạch nước sẽ vọt lên, đem lại sự sống đời đời cho cả nhân loại (x. Ga 4,14).

 

1.   Mẹ Vô Nhiễm - Giếng đầu làng 

Ngày 12/12/1965, Đức Khâm Sai Tòa Thánh tại Việt Nam Cộng Hòa đã nhận lời mời về tận nơi làm phép tượng, dâng kính đài và trao phó xóm đạo nghèo nàn nhỏ bé mới thành lập này cho sự phù hộ chở che của Mẹ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình (Ga 19,27).

 

Kể từ ngày đó, giáo họ chính thức nhận tên gọi âm vang tên của Đấng từng dành riêng cho Thiên Chúa xác hồn trinh nguyên của mình : KHIẾT TÂM. Kể từ ngày đó, Đấng tinh tuyền thanh vẹn, giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi (Thơ Hàn Mặc Tử) đã được ban lại cách riêng cho đoàn con cái ở đây.  

Áo toàn trắng, khuôn mặt dịu hiền ngó xuống theo hai cánh tay để xuôi và đôi bàn tay rộng mở. Bức tượng đầy ý nghĩa thiêng liêng :

Từ trái tim vẹn tuyền và đôi tay mở của Mẹ, dòng suối Giêsu chảy tuôn, giếng nước Giêsu lênh láng. Nước chữa lành, nước ban sự sống (x. Ed 47,9-12). “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Ở Cana, Mẹ đã can thiệp, rất tinh tế nhẹ nhàng, rất âm thầm kín đáo, nhưng cũng rất ân cần khẩn thiết, và công hiệu diệu kỳ : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Và nước đã hóa rượu. Sáu chum đá, mỗi chum cả trăm lít. Tiệc cưới đang thiếu rượu bỗng rượu ngon ê hề. Và niềm vui tràn trề, lai láng…

Ở cổng Trại Mới Khiết Tâm hôm ấy, vị đại diện Giáo Hội Mẹ - Đức Khâm Sứ Angelo Palmas - và đoàn con nhỏ mới quy tụ đã chính thức khai trương cuộc sinh hoạt cộng đồng dài lâu của mình tại vùng đất này bằng cách làm theo lời bảo của Thầy chí thánh : Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.  

Và Mẹ đứng đó, âu yếm nhìn, sung sướng thấy bánh thành Mình, rượu thành Máu, nuôi dân xóm đạo này ngày hôm ấy và từng ngày tiếp theo.

Mình Máu đây là chính Thân Thể Giêsu thuở trứng nước thai nhi, lòng Mẹ đã hết tình ấm áp cưu mang và hồn Mẹ đã say đắm cung chiêm thờ lạy.

Mình Máu đây là chính Thân Thể Giêsu đêm đỏ hỏn lọt lòng Mẹ, người đời đã chẳng ai dành cho một góc nhỏ dẫu chỉ là xó tối trong nhà, và Mẹ đành phải nhìn Con chung chia chỗ nằm với loài súc vật.

Mình Máu đây là chính Thân Thể Giêsu ngày bé bỏng hài đồng, Mẹ đã bồng lên Đền Thờ hiến dâng Thiên Chúa Cha, và một cụ già đã xin được ẵm lấy, mừng chết được khi ánh sáng Thánh Thần cho cụ nhìn ra đây chính là ơn cứu độ đã dành sẵn cho muôn dân từ muôn thuở và cho đến muôn đời (x. Lc 2,26.30-31).

Mình Máu đây là chính Thân Thể Giêsu mà từ giờ gặp gỡ không ngờ ấy với lão ông Simêôn, Mẹ hiểu rõ hơn nữa rằng con người, cuộc sống và lời dạy về sau của Giêsu này là ánh sáng soi đường (Lc 2,32) cho trần thế, nhưng nhiều người lại chuộng bóng tối hơn ánh sáng (Ga 3,19), và sự chống báng sẽ thành lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn Mẹ (x. Lc 2,35).

Mình Máu đây là trọn vẹn Giêsu Con lòng Mẹ và Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32.42), trọn vẹn xác và hồn, nhân tính và thần tính, mà vì Người Con này, từ hôm ấy, trong tình yêu và nguyện ước xin vâng, Mẹ dần dần học cho biết đón nhận lưỡi gươm sẽ bằm nát gan băm nát ruột Mẹ, cho đến ngày nó trở thành cực điểm đớn đau, khi Mình Con bị nộp và Máu Con đổ ra làm hy lễ cho nhiều người được tha tội

Ngày ấy là ngày áp lễ Vượt Qua mùng 6 tháng 4 năm 30, Con chí thánh chí ái Mẹ đã thực hiện hy lễ cực đẹp lòng Chúa Cha : Buổi chiều, đúng vào giờ các tư tế Đền Thờ thọc huyết sát tế chiên để mừng lễ Vượt Qua theo luật đạo Do-thái, Đức Giêsu chịu kết án tử để trở thành chiên Vượt Qua đích thực : Mình bị treo đinh đỉnh đồi, Máu chảy tuôn đến giọt cuối từ cạnh sườn bị đâm thủng và trái tim mở toang. Mẹ đứng đó, thông phần hy lễ : mũi đòng xuyên thấu xác Con thì lưỡi gươm cũng đâm thâu tâm hồn Mẹ.

 

Hy lễ thập giá buổi chiều thứ sáu ấy, ngay từ tối thứ năm, trong phòng tiệc ly, khi đón trước cuộc khổ nạn gần kề với tình mến muôn vàn và ý chí vâng phục trọn vẹn, do sáng kiến thần linh và bởi quyền năng Ngôi Lời Thiên Chúa, Con Mẹ đã hiến tế chính mình ‘dưới hình thức bánh rượu’, và đã để lại hy lễ bí tích này cho vạn đời sau cùng với bí tích Truyền Chức Thánh : Này là Mình Thầy… Nầy là chén Máu Thầy… Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.

Sau khi Thầy chịu chết, sống lại và về trời, nhóm môn đệ của Thầy luôn có Mẹ đồng hành, gắn bó : Tất cả các Tông Đồ đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su. (Cv 1,14)... Và Mẹ thường xuyên là một nhắc nhở : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5).

Nghe Mẹ nhắc nhở dặn dò, Tông Đồ chăm lo giảng dạy, tín hữu chuyên cần lắng nghe, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng làm theo lời trăn trối của Thầy trong bữa tối sau hết, cùng nhau cử hành và tham dự ‘lễ bẻ bánh’ mà nhớ đến Thầy là Emmanuen nhập thể vì mình, chịu chết vì mình và sống lại cho mình, cùng ăn chung một bánh và uống chung một chén quý trọng Thầy ban, cùng chung lòng chung ý không ngừng cầu nguyện, để mọi sự làm của chung, đồng tâm nhất trí, cùng nhau dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ mỗi khi làm ‘lễ bẻ bánh’ tại tư gia… (x. Cv 2,42-46).  

Cứ như vậy, các tín hữu ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv 2,47)… Ngày nối tiếp ngày, tháng năm nối tiếp tháng năm, thế hệ nối tiếp thế hệ, số tín hữu gia tăng và những người được cứu độ cứ cố gắng vươn theo mẫu sống của cộng đoàn tiên khởi ấy,

Cho đến ngày 12/12/1965 thì lằn biên của cộng đoàn những người được cứu độ đã chạy ngang qua 1114 con tim và Nước Cứu Độ đã đón nhận 268 gia đình của họ trong xóm đạo mới lập ở đây. Từ sau thánh lễ chủ tế bởi vị đại diện tại Việt Nam của đức thánh cha Phaolô VI dưới chân tượng đài Mẹ Vô Nhiễm hôm ấy, ngày nào cha Matthêu chánh xứ cũng từ nhà xứ Tam Hải chạy chiếc mobylette cũ lạch tạch băng qua hương lộ sang với đám dân nghèo tái định cư này. 

Từ thiên cung, Mẹ hằng đưa mắt nhìn xuống, dõi theo đoàn con bé nhỏ rất trung thành từng ngày làm theo lời bảo của Thầy chí thánh Con Mẹ mà nhớ đến Thầy. Sum họp phụng vụ diễn ra ngày đẹp thì ngoài trời, tại sân đài Mẹ ; ngày mưa hay dọa dẫm mưa thì kéo nhau vào dưới mái tôn đúng chỗ các dì Mai Tâm lập cộng đoàn bây giờ. Mái tôn ấy tính để dân họp chợ, nên bên trên cũng lợp kín đàng hoàng, nhưng bên dưới thì chỉ có mấy cây cột, còn bốn bề trống hốc, gió tạt mưa hắt tự do, hắt trúng đám nào lúc đang lễ thì đám ấy vừa kinh lễ vừa lo giở tấm nhựa nón lá ra mà chắn chắn che che ! Ấy vậy nhưng đám dân đen cứ tin chắc như đinh đóng cột là cả những nơi như thế, sau khi cha chủ tế đọc lời truyền phép trên bánh trên rượu, vẫn có Chúa Giêsu là Môsê Mới hiện diện cầm cây gậy thập giá chỉ huy dẫn đường, vẫn có Chúa Giêsu là Tảng Đá Khôrếp Mới tuôn trào ‘nước’ chan hòa sự sống dưỡng nuôi (x. Xh 17,6) !

Và đoàn con nhỏ của Mẹ ngày ngày tập sống những lời Thầy dạy : ... Đừng lo lắng tự hỏi : ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai : ngày mai, cứ để ngày mai lo (Mt 6,31-34).

 

 2.  Giáo họ Khiết Tâm - Cỏ xanh nước lành 

Mình lo đâu bằng Chúa liệu !

Vâng, có lẽ trong số bà con hồi đó đặt chân đến đây tìm nơi ăn chốn ở và đất đai sinh sống, chẳng người nào biết ông bộ trưởng Bộ Dinh Điền Bùi Văn Lương là ai và linh mục Lý Văn Hảo là cha nào. Nhưng từ tám chín năm trước, ngày 20/9/1957, ông Lương đã thừa lệnh Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký quyết định giao 36 ha đất cho cha Hảo với mục đích mở rộng trại di cư Tam Hải. Vùng đất nhìn chung còn là một khu rừng chồi hoang sơ nằm sát hương lộ 25 (nay là quốc lộ 1A), giáp giới phía Tây với giáo xứ Tam Hải.

Trước khi cha Hảo đứng tên thì trong bản đồ địa chính, thửa đất thuộc quyền tư hữu của một Pháp kiều là ông Netty. Sau ông, đến lượt bà Trần Thị Các là vợ của thẩm phán Đỗ Hữu Trí, rồi đến giáo sư Đoàn Tuân và ông Phạm Quang Lũy. Những vị này cũng nhượng một phần sở hữu của mình để khu đất dành cho Trại Mới Khiết Tâm thành tròn 40 ha khi đến tay cha Matthêu Khiết. Cha cho bầu chọn Ban Tiếp Cư chín người sẽ cộng tác với cha điều hành trại, quy hoạch, phân lô và chia đất cho người đến xin định cư.

Các vị chủ đất cũ, có hai vị là thấy ghi thêm tí chức danh nghề nghiệp, còn thì chỉ đọc được trơ trọi mỗi vị một cái tên khô khan như trên trong tài liệu để lại bởi một vài nhân chứng sống. Ngoài ra, ngay từ những thế hệ đầu đến cư ngụ, không ai được một lần giáp mặt tiếp xúc hay được biết tí gì khác nữa về cuộc sống và tấm lòng của các vị ấy.

Có lẽ cũng chẳng mấy ai trong họ biết rằng : để hình thành được khu Trại Mới này, cha xứ của Trại Một (xứ Tam Hải), cha Matthêu, còn được sự yểm trợ to lớn về mặt tinh thần và nhiều mặt khác của các cha xứ và dân xứ các trại di cư phụ cận : cha Giuse Nguyễn Xuân Đào (Trại Hai, xứ Tam Hà), cha Đaminh Phạm Hữu Phan (Trại Ba, xứ Chân Phúc Khang, nay là Thánh Khang), cha Gioan Maria Vũ Đức Long (Trại Châu Bình, xứ cùng tên).

Nhờ vậy mà khi đồng bào đến xin đăng ký nhập cư, Ban Tiếp Cư chỉ cứu xét ít điều kiện tối thiểu, rồi lập tức cấp không đất đai, còn kèm thêm những trợ giúp sơ khởi để đồng bào có thể tạm sinh sống buổi đầu.

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
(Tv 23,1-3)

Cỏ xanh tươi, nước trong lành trên bình diện tự nhiên được cung cấp theo mức độ có lợi nhất cho mục tiêu tối hậu là sự sống đời đời : Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó (Mt 6,32). Cỏ xanh tươi, nước trong lành trên bình diện siêu nhiên thì tràn trề thừa thãi. Như hạt giống được tung gieo không ngần ngại cả bên vệ đường, cả trên đá sỏi, và cả giữa bụi gai (x. Mt 13,3-8.18-23). Như dăm chiếc bánh vài con cá hóa ra nhiều nuôi một lúc mười mấy ngàn dân còn thu lại được đầy mười hai thúng ! (x. Mc 6,30-44)…

Trong buổi chiều hoang địa hôm ấy, Đức Giêsu đã cho chia đám dân đông ngút ngàn ra thành từng nhóm, chỗ năm mươi, chỗ một trăm. Ngày 24/12/1965, mười hai ngày sau thánh lễ đầu tiên trước tượng đài Mẹ Vô Nhiễm, cha Matthêu cho họp, chia giáo họ mới thành bốn khu, được đặt tên theo bốn danh hiệu của Mẹ : Đồng Công, Trinh Vương, Hòa Bình, Fatima. Mỗi khu bầu chọn một vị phụ trách và một vài cộng sự giữ vai trò hợp tác với cha xứ điều động việc dẫn nước sự sống từ giếng đầu làng về với từng con tim đói khát của mọi gia đình.

Được ít lâu thì vì những lý do riêng, phần lớn các gia đình thuộc khu Fatima lại buộc lòng một lần nữa lần lượt di dời, tìm đến những đồng cỏ khác. Số ít gia đình chọn ở lại được sáp nhập hoặc vào khu Hòa Bình, hoặc vào khu Trinh Vương. Giáo họ còn ba khu.

Thấy đoàn con nhỏ bé muốn đoàn kết gắn bó và chung sống lâu dài, CHÚA là mục tử không để cho họ giờ thờ phượng mà nhiều phen phải chen chúc đụt mưa dưới cái mái tôn ba bề bốn bên trống huếch trống hoác mãi. Người sớm cho cha Matthêu gặp được một vị mục sư Tin Lành tốt bụng với dân nghèo và tha thiết với ước mơ đại kết Kitô hữu : mục sư Donald Welsh. Số xi măng, đống tôn đã qua sử dụng và lô sắt thép cũ vị này cung cấp đủ để xây dựng một ngôi nhà thờ không kiểu cọ sang trọng, nhưng vững chắc và khiêm tốn, phù hợp với nếp sống và số lượng tín hữu đang đà phát triển.  

Ngày 22/01/1967, đức cha Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm, giám mục phụ tá giáo phận Sài Gòn, về chủ sự lễ làm phép và đặt viên đá đầu tiên. Khi hoàn tất, ngôi nhà thờ có chiều dài 25m, chiều rộng 15m, lối kiến trúc đơn sơ, rồi sẽ được sử dụng an toàn một thời gian cũng cả gần 25 năm.       

Ngày 20/7/1969, giáo họ cắm mốc mở rộng và chỉnh trang khu nghĩa trang trên thửa đất vuông vức rộng 2 ha, nằm phía bên ngoài khu Hòa Bình. Và lễ Các Linh Hồn đầu tháng 11 năm đó, cha xứ đã sang làm phép nghĩa trang của giáo họ và dâng thánh lễ đầu tiên tại khu đất thánh này.

Cỏ xanh tươi, nước trong lành trên bình diện siêu nhiên không những là cơ cấu tổ chức giáo họ và những cơ sở vật chất cần thiết cho phụng vụ và cuộc sống đức tin, mà còn là hàng ngũ thừa tác viên lãnh trọng trách thánh hóa, giảng dạy và điều hành. Về mặt này, quả là Chúa Quan Phòng đã dành cho đoàn con nhỏ ở đây một giếng nước đầu làng thật nhiều ưu đãi.

Chắc chắn không phải do tình cờ mà hai cha Mathêu Trần Trinh Khiết và Phêrô Nguyễn Châu Hải đã quen biết nhau từ những năm cùng du học bên Pháp, đã trở thành hai linh mục bạn, một triều một dòng.

Không phải do tình cờ mà khi được bề trên tổng quyền dòng Thánh Thể sai về Việt Nam thăm dò khả năng đưa dòng vào đất nước mình, cha Hải đang loay hoay không biết làm sao có được đất tại một địa điểm thuận lợi cho việc thiết lập cộng đoàn dòng đầu tiên thì gặp lại cha Matthêu bạn cũ, đúng lúc cha này vừa muốn có người chia sẻ gánh nặng mục vụ, vừa dư điều kiện để có thể cung cấp đất đai.

Thế là ngày 12/6/1972, cha Giuse Trần Văn Bình, ứng viên dòng Thánh Thể, được trao nhiệm vụ về giáo họ Khiết Tâm xây dựng cơ sở cho dòng trên một khoảng đất rất rộng ngay phía đầu nhà thờ.

 

3.  Giáo xứ Khiết Tâm - Phát triển nhân sự 

Ngày 21/9/1972, theo đề nghị của cha Matthêu Trần Trinh Khiết chánh xứ Tam Hải, tòa tổng giám mục Sải Gòn ra quyết định nâng họ đạo Khiết Tâm lên hàng giáo xứ, thuộc giáo hạt Thủ Đức, giao giáo xứ mới này cho dòng Thánh Thể và bổ nhiệm cha Giuse Trần Thanh Tâm sss. làm cha xứ tiên khởi. Việc bàn giao giữa hai vị quản nhiệm tân cựu diễn ra ngay trong ngày hôm đó, lễ kính thánh Tông Đồ bổn mạng cha cựu chánh xứ.

Ngày 05/02/1973, kỷ niệm ngày rửa tội của thánh Eymard Lập Dòng, cha bề trên tổng quyền Henri Verhoven đang trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai, đã ký tại chỗ quyết định chính thức thành lập theo Giáo Luật cộng đoàn dòng Thánh Thể đầu tiên tại Việt Nam, cộng đoàn Khiết Tâm, trực thuộc nhà tổng quyền Rôma ; và bổ nhiệm cha Giuse Trần Thanh Tâm làm bề trên tiên khởi.

Thế là trong vòng có hơn bốn tháng, đấng thường quyền sở tại và vị phụ trách dòng Thánh Thể toàn thế giới, mỗi bên đã ra một quyết định, và hiệu lực của hai quyết định quan trọng này là từ đây, giáo xứ Khiết Tâm sẽ mãi mãi được phục vụ bởi các linh mục và tu sĩ dòng Thánh Thể. Nghĩa là, về mục vụ giáo xứ, các cha xứ cha phó được dòng đề cử và đức giám mục giáo phận bổ nhiệm sẽ đứng mũi chịu sào, nhưng hậu thuẫn sau lưng là cả cộng đoàn dòng, cả miền hay tỉnh dòng, và cả hội dòng nữa.

Chắc chắn có sự can thiệp hữu hiệu của Đức Maria Vô Nhiễm Bổn Mạng, Đấng ngay từ đầu đã được cậy trông như cây giếng đầu làng, nên hôm nay mạch nước đem lại sự sống đời đời (x. Ga 4,14) mới được giao phó cho hội dòng chuyên biệt về Bí Tích Cực Thánh đảm lãnh việc phục vụ.

Chắc chắn Đức Bà là tòa Đấng Khôn Ngoan biết ngôi làng Cana Việt Nam này thiếu thứ rượu nào, cần những loại chân tay gia nhân phục vụ nào, nên đã cầu xin với Đấng là Gió muốn thổi đâu thì thổi (Ga 3,8) đưa đến đây những con người muốn hiến thân túc trực hầu hạ Đấng có Mình bị nộpMáu đổ ra cho muôn người.

Không hẳn những con người linh mục tu sĩ này thánh thiện giỏi giang hơn ai, mà có khi có những cá nhân còn mang nhiều sở đoản, giới hạn và hèn yếu hơn rất nhiều người, nhưng chắc chắn những con người được ban đặc sủng Thánh Thể này phải lưu tâm đặc biệt hơn tới những trách nhiệm Thánh Thể, phải bị đòi hỏi quyết liệt hơn bởi lý tưởng Thánh Thể. Và sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối (2 Cr 12,9).

 

Truyện kể : Một đêm đang lặng thầm dạo bước trong rừng với nhóm đệ tử, lá khô nghe xào xạc dưới chân, bỗng Đức Phật đưa ngón tay chỉ về phía xa trước mặt và cất tiếng hỏi : Gì đó các con ? Nhóm đệ tử đồng thanh : Mặt trăng thưa thầy. Đúng, trăng mới lên tỏa sáng xuyên cành cây kẽ lá. Vị thầy chân chính dạy đám môn sinh : Cứ vậy nhé các con. Chân lý ở phía ngón tay thầy chỉ. Đừng nhìn chăm chăm vào ngón tay thầy !

 

Nhắn nhủ khôn ngoan của Đức Phật cho môn sinh ngài có thể áp dụng cho cả hai bên ở đây : một đàng, người nói luôn hướng lòng người nghe về Chân Lý chứ không tìm cách kéo chú ý của họ về mình ; đàng khác, người nghe rất nên cảm thông với người nói như thánh Augustinô tiến sĩ cũng đã từng mong được cảm thông : Trước mặt anh em, tôi là giám mục ; nhưng giữa anh em, tôi là Ki-tô hữu.

Và như thế, kẻ nói người nghe, ngôn sứ và người nhận sứ điệp đều phải cùng nhau cố công bước theo Chúa, cố sức thực hiện thánh ý Người, và đều phải thường xuyên cầu nguyện với nhau và cho nhau : Loài người chúng con quả yếu đuối, lúc nào cũng có thể gục ngã thảm thương. Xin cho chúng con luôn biết nhờ ơn Chúa mà đỡ nhau trỗi dậy và cùng tìm lại được sức sống (x. Lời tổng nguyện Thứ Hai Tuần Thánh).

Cha Giuse Trần Thanh Tâm, quản xứ tiên khởi, đã ngày ngày nghe lời Mẹ nhắc, nỗ lực hướng đoàn chiên nhìn về Đấng là con đường, là sự thật và là sự sống (Ga 14,6), nỗ lực cùng đoàn chiên theo bước Người, chăm chỉ cùng đoàn chiên đến quỳ lạy dưới chân Người hằng đặc biệt hiện diện nơi bí tích Thánh Thể, lắng nghe Người và khẩn xin Người ban Thánh Thần đỡ nâng trợ giúp. Tiêu chí hoạt động ngài đưa ra là :

-         Hợp nhất mọi người

-         Xây dựng đời nột tâm

-         Loại trừ thói câu nệ hình thức.

Ngài quản nhiệm giáo xứ từ 1972-1974, có hai cha Đaminh Nguyễn Hữu Lượng và Đaminh Nguyễn Phúc Thuần làm phó xứ.

Tiếp bước ngài là lần lượt các cha :

-  1974-1975 : Gioakim Nguyễn Đức Mưu (tức là cha Việt Châu).

-  1975-1994 : Đaminh Đặng Công Hiến

-  1994-1996 : Đaminh Nguyễn Đạt Tam

-  1996-1999 : Vinhsơn Nguyễn Văn Hòa

-  1999-2002 : Giuse Phan Ngọc Trợ

-  2002-2003 : Giuse Trần Đình Long

-  2003-2007 : Giuse Phan Ngọc Trợ

-  2007-2008 : Đaminh Phạm Văn Vàng

-  2008-2012 : Giuse Phan Ngọc Trợ

-  2012-2014 : Phaolô Maria Nguyễn Thanh Quang

Theo thời gian, số giáo dân trong xứ phát triển không ngừng. Một điểm mốc đáng kể là năm 2007-2008, khu Đồng Công đã tăng trội và phải phân đôi. Khu mới tách ra lấy lại tên của một khu đã xóa sổ vì những biến động dân số ngay trong những năm đầu lập giáo họ : khu Fatima. Và đến cuối năm 2013 thì số giáo dân và gia đình Công Giáo trong giáo xứ thống kê được như sau :

 

 

Khu

 

Số giáo dân

 

Số

 

Gia đình

 

Nam

 

Nữ

 

Cộng

Đồng Công

572

604

1176

307

Trinh Vương

579

572

1151

304

Hòa Bình

833

894

1727

453

Fatima

433

441

874

238

Toàn xứ

2417

2511

4928

1302

 

Thêm vào đó, khối lượng ‘di dân’ Công giáo rất lớn, phần đông là những người trẻ nam nữ đến làm việc trong các hãng xưởng thuộc hai khu chế xuất Linh Trung và Sóng Thần từ khoảng hơn chục năm trở lại đây. Mục vụ đáp ứng các nhu cầu thiêng liêng của những anh chị em nói chung là nghèo khổ và thiếu thốn nhiều mặt này khá nặng nề và không ít phức tạp.

Đấy là chưa nói đến con số lớn hơn nữa những anh chị em lương dân, cả địa phương lẫn di dân.

Tỉ lệ thuận với đà tăng số lượng dân lương giáo phải là mức phát triển các cơ sở hạ tầng.

 

 

4.  Công trình vật chất - Xây dựng thiêng liêng 

 

Cha Đaminh Đặng Công Hiến làm chủ chăn lâu nhất (19 năm) và phải chăn dắt đoàn chiên vượt qua thời kỳ khó khăn khắc nghiệt nhất về cả kinh tế vật chất lẫn đời sống đức tin, kéo dài hàng chục năm liền sau biến cố chính trị 1975, nhưng ngài đã để lại cho đến hôm nay những công trình nói không ngoa là khổng lồ sánh với bối cảnh đương thời, những công trình nhiều người cho là xuất phát từ một lối nhìn ‘tiên tri’ của ngài, vì khi dự kiến và cả khi đã hoàn thành, các hãng xưởng chưa mở bao nhiêu và dân lao động chưa có nhiều dấu hiệu sẽ kéo đến vùng này ồ ạt như những năm về sau.

-  Ngày 23/02/1990, xuống móng khai trương công trình nhà thờ mới. Tài chánh cho vật tư, thi công, cho chuyên môn kiến trúc và mỹ thuật, toàn những khoản kếch sù, không biết cha xứ nhận được từ những nguồn nào mà chỉ nghe ngài luôn miệng giục giáo dân cầu nguyện và cậy trông vào Chúa. Thế rồi cần đến đâu cứ thấy có đến đấy, nên mọi người hết sức ngạc nhiên, phấn khởi và hăng hái hết mình tham gia góp công sức, khiến tiến độ thi công rất đều và rất mau. Cộng tác mật thiết và nhiệt tình với cha xứ là các tu sĩ trong dòng, hội đồng mục vụ giáo xứ (đặc biệt trong đó là ông chủ tịch Đaminh Trần Công Thoan, người đã dành ra suốt 26 trong 81 năm cuộc đời liên tục xả thân cho việc chung, bắt đầu từ thời cha xứ tiên khởi), rất đông bà con trong xứ, nhưng lao động phổ thông chủ lực và chiếm công đầu là đội bốc xếp ga Sóng Thần, bên cạnh luôn có chị em nhóm Matta ngày ngày lo ẩm thực cho cả công trường.

-  Ngày 01/3/1990, đức cha Phaolô Nguyễn Văn Bình, tổng giám mục giáo phận thành phố Hồ Chí Minh về chủ sự nghi thức đặt viên đá đầu tiên và thánh lễ xin ơn bình an cho công trình.

-  Chỉ đúng một năm sau, ngày 02/3/1991, cũng chính đức tổng giám mục Phaolô lại về chủ sự khánh thành. Ngôi thánh đường bề thế, tháp chuông cao, lối kiến trúc mới. Bên trong là nhiều công trình điêu khắc nghệ thuật sắc sảo, trong đó nổi bật và chiếm phần khá lớn diện tích của bức tường đáy cung thánh là hai tấm phù điêu mầu đồng sang trọng : nửa bên phải, phép lạ hóa bánh ra nhiều ; nửa bên trái, Chúa Giêsu trao chén cho cha Eymard và đoàn con cái thiêng liêng của ngài. Cung thánh rộng thênh thang, sẵn sàng cho nhiều đợt có thể rất đông tu sĩ khấn dòng hay lãnh nhận chức thánh và cho nhiều nghi lễ long trọng khác… Tất cả được cung hiến cùng với bàn thờ, làm nên ngôi đền tôn vinh Thánh Thể đầu tiên tại Việt Nam.  

-  Sau nhà thờ là những công trình phụ không ít quan trọng : Đài Đức Mẹ mới chiếm vị trí ngay bên cánh phải mặt tiền nhà thờ ; tượng Mẹ Vô Nhiễm cũ được đưa về nói với mọi người qua lại rằng : Mẹ đã là giếng nước đầu làng từ thuở ban sơ của giáo xứ này, thì mãi mãi Mẹ sẽ là mẫu tôn thờ Thánh Thể và trường kỳ làm máng thông ơn Thiên Chúa cho đoàn con. Rồi đường kiệu xung quanh và sân trước nhà thờ trải nhựa nóng vững bền, sạch sẽ. Rồi khi lớp cây lâu năm đầu tiên trồng trên công trường rộng của nhà thờ cũ đã trở thành ghế ngồi bàn viết trong các lớp giáo lý cho bọn trẻ càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta (Lc 2,52), thì những hàng cây thế hệ thứ hai lại đã bắt đầu vươn cao, tỏa bóng xa rộng hơn dần trên những thảm cỏ quanh năm xanh mát. Rồi tường bao xung quanh khu vực nhà thờ và sân lớn biến khoang đất thành một khuôn viên lý tưởng, cùng với hoa viên Hòa Bình của giáo xứ làm thành hai cánh phổi khổng lồ cung cấp hơi thở trong lành vừa thiên nhiên thoáng mát, vừa thiêng liêng bát ngát mà thẳm sâu. Mẹ đứng đó, như một bóng nữ nhân dịu hiền khiêm tốn nhưng lòng rộng bao la, như một nét đẹp êm đềm nhẹ nhàng mà thênh thang thanh thoát, dành cho mọi cõi lòng lương giáo.

-  Sau những cống hiến trên đây và nhiều đóng góp khác, cha Đaminh Đặng Công Hiến đau nặng vì một chứng nan y và mất ngày 07/7/1994. Đúng theo nguyện ước thiết tha thuở sinh thời, ngài được chôn cất ngay dưới chân đài Đức Mẹ. Đi xa hơn mục đích chân thành khiêm nhượng của ngài là ‘để được mọi người năng nhớ đến và thương tiếp tục cầu nguyện cho’, có thể đọc thấy nơi ngôi mộ của một linh mục dòng Thánh Thể lời nhắn nhủ thường xuyên này : Muốn được Mẹ thực sự thành giếng ban và suối dẫn nước mạch Giêsu Kitô đem lại sự sống đời đời (x. Dc 4,12 ; Ga 4,14) cho mình, người tín hữu cần từng ngày sống cái chết, sống công hiệu và ý nghĩa của bí tích Rửa Tội là dìm mình trong cái chết của Đức Giêsu và cùng với Đức Giêsu, Đấng chẳng hề mị dân tí nào, nhưng đã khẳng định thẳng thừng chắc nịch : Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo (Lc 9,23). Sau một đời hằng ngày tập chết, tột đỉnh của bỏ mình là cái chết xin vâng mà hiến dâng trọn vẹn. Nền tảng đời Kitô là Phép Rửa, còn được gọi rất hình ảnh là Phép Dìm. Nguồn lực giúp sống Phép Dìm suốt đời Kitô là Thánh Thể. Chẳng thế mà vị thánh lập dòng Thánh Thể suốt đời rao giảng bí tích Mình Máu Thánh lại không một lần kỷ niệm ngày rước lễ lần đầu, nhưng năm nào cũng tĩnh tâm để hết lòng yêu kính biết ơn mừng giáp năm ngày nhận ơn Phép Dìm trọng đại…

Xin cảm ơn một ngôi mộ. Xin cảm tạ một cuộc đời.

Sau thời cha Đaminh Đặng Công Hiến làm cha xứ, một số công trình khác cần thiết cho việc huấn luyện sống đức tin và loan truyền Thánh Thể được tiếp tục thực hiện rải rác trong thời gian : đài thánh Giuse năm 1998 (thời cha Vinhsơn Hòa), nhà mục vụ năm 2005 và đài thánh Eymard năm 2010 (vào hai giai đoạn khác nhau của cha Giuse Trợ), trùng tu nhà giáo lý năm 2014 (cha Phaolô Maria Quang)…

Những công trình vật chất như trên thật cần thiết, quan trọng, và nhiều khi việc xây dựng cũng đòi hỏi thật nhiều công khó. Nhưng quan trọng, cần thiết hơn gấp bội, và có những trường hợp khó khăn, nhọc lòng và hao công tổn sức cực kỳ vẫn là công trình xây dựng những ngôi đền thờ bên trong, những phòng tiệc thánh tâm hồn, có khi nỗ lực đến hết đời vẫn chưa thấy hoàn tất, vẫn chẳng đâu vào đâu. Mà bởi đó là những công trình bên trong, thiêng liêng, nên thường khi rất lặng thầm, kín ẩn, chẳng ai hay, không ai thấy. Và giả như có thấy đôi nét biểu hiện, thì việc đánh giá cũng vẫn có thể rất không chính xác, nhiều khi còn sai lạc hẳn.

Công trình xây dựng thiêng liêng cho cộng đồng và từng cá nhân các tín hữu ở đây đòi hỏi sự tận tâm tận tình của những tay thợ chuyên biệt là các linh mục tu sĩ được giao trọng trách cầu nguyện và tông đồ. Rất may phúc cho Khiết Tâm là dòng Thánh Thể giữ vai trò điều phối luôn được sự hợp tác nhiệt tình tận tụy của nhiều cộng đoàn tu nam nữ hiện diện ngay trong địa bàn giáo xứ : Từ rất lâu nay là tu hội Nagia và hai hội dòng Mến Thánh Giá Khiết Tâm và Con Đức Mẹ Vô Nhiễm ; rồi mới đây lại thêm các cộng đoàn Mến Thánh Giá Kiên Lao, Cát Minh Thánh Giuse, Chứng Nhân Đức Tin, và cả một số khác sống và hoạt động âm thầm, không muốn xuất đầu lộ diện vì những lý do riêng.

Giáo dân là thành phần duy nhất trong Hội Thánh có khả năng trực tiếp đem ánh sáng Tin Mừng đến mọi ngóc ngách xã hội, vào mọi hoàn cảnh cuộc sống, tại bất cứ địa điểm và vào bất cứ thời gian nào. Phần đóng góp của anh chị em vào những công trình thiêng liêng nhiều khi rất vô hình và hoàn toàn vô danh, nhưng lại vô cùng quan trọng, đến độ không thể thiếu và không có không thành. Không có anh chị em, giếng đầu làng nước sống tràn trề, nhưng suối dẫn nhiều khúc cạn khô vì tắc nghẽn !... Giáo xứ có nhiều đoàn thể Công Giáo tiến hành nâng đỡ thiện chí của anh chị em. Nhưng giáo xứ cũng biết ơn sâu sắc cả những anh chị em vẫn nỗ lực tận tình bên ngoài các tổ chức cơ cấu, trong đó phải kể đến nhiều bậc cha mẹ ông bà ngày đêm lao tâm khổ trí cho công cuộc xây dựng con người và Ki-tô hữu này, bắt đầu ngay từ từng người con cháu họ, ngay từ chính gia đình thân yêu của họ.

Nhưng để được đào tạo nên những tín hữu Kitô trưởng thành, không nhà đào tạo nào có thể thay thế bản thân mình, cho dù họ đạo đức thánh thiện thông minh đến mấy, cho dù họ giầu nghệ thuật và giỏi kỹ năng bao nhiêu. Không ai giúp tôi được nếu tự tôi không muốn đón nhận những trợ giúp bên ngoài và tự tôi không muốn giúp tôi. Không ai huấn luyện tôi được một khi chính tôi không muốn huấn luyện mình.

Chúa Thánh Thần luôn luôn là Thầy dạy lành nghề nhất và tuyệt đối cần, trong mọi trường hợp. Không có ánh sáng và không nhờ tác động tận thâm sâu của Ngài, người muốn dắt người hay người đang cố tự tìm đường cất bước đều trở thành mù tối bất lực, nhất định không thể đi tới nơi về tới đích. Điều kiện tuyệt hảo để Thánh Thần soi sáng, tác động và nắn đúc là những buổi sum họp phụng vụ đẹp, đượm tin mến và nhắm chiều sâu tâm hồn, là những giờ chầu Thánh Thể lắng đọng như Maria Bêtania cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy (Lc 10,39), như Đức Maria Bêlem và Nadarét hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm về Con Mẹ và suy đi nghĩ lại trong lòng (x. Lc 2,19.51).

 

 

*         *

*

 

 

Hóa ra, theo những xác tín trên đây, Đức Maria luôn luôn là khu vườn cấm được mở cửa, luôn luôn là dòng suối canh phòng nghiêm mật được đến kín múc tự do, luôn luôn là giếng nước niêm phong được bóc niêm xóa ấn (x. Dc 4,12) cho những ai biết nghe theo lời trăn trối của Đấng chịu nộp Mình và đổ Máu làm lễ hy sinh thập giá mà rước bà về nhà mình (Ga 19,27) làm Mẹ để mến yêu, thảo kính và vâng nghe, để sống theo gương tôn thờ của Mẹ từ Nadarét cho đến Phòng Tiệc Thánh đối với Đấng vừa là Chúa, vừa là Thầy, lại vừa là Con yêu dấu của Mẹ, Đấng hiến mình làm của lễ trong bí tích Thánh Thể mỗi ngày.

Và cũng theo hướng nhìn này, giáo xứ có Mẹ làm Bổn Mạng sẽ thực sự trở thành giếng nước đầu làng tuôn tràn sức sống khi người người học theo gương thánh Eymard lập dòng, vị thánh được Giáo Hội tuyên dương là tông đồ lỗi lạc của Bí Tích Tình Yêu, không những hết lòng tôn sùng Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm, mà còn thiết tha quyến luyến mến yêu Mẹ là Đức Mẹ Thánh Thể trong ý nghĩa Mẹ là người nữ đặc biệt của Thánh Thể, người nữ để cho lửa say mê hy tế Thánh Thể biến mình thành môn đệ chuyên cần lắng nghe và thành tông đồ nhiệt thành truyền bá Chúa Giê-su nơi bí tích này, bí tích là nguồn mạch và chóp đỉnh sức sống của giáo xứ và của cả Giáo Hội (x. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 11).

 

 

Video
Xem thêm Video khác
Tin đọc nhiều
Liên hệ qua Facebook
Thống kê truy cập